Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 05:11
Thứ tư, 06/12/2023 07:12
TMO - Thời gian tới, Bắc Giang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ sinh học, triển khai ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y dược, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ...
Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) chỉ rõ “Trong công nghiệp, ưu tiên các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp hóa dược, sinh học,…Trong nông nghiệp, ưu tiên các hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người,…”.
Công nghệ sinh học được xác định là một trong bốn công nghệ trụ cột của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian qua, nhiều Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước đã được ban hành để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, trong đó đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu châu Á; công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.
Chính phủ cũng đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 189/NQ-CP ngày 16-11-2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Trước nhiệm vụ trên, thời gian tới tỉnh Bắc Giang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ sinh học (CNSH), triển khai ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNSH, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y dược, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ sinh học; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, người lao động về nghiên cứu, ứng dụng CNSH, coi đây là công cụ hữu hiệu phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Cụ thể, với lĩnh vực Công Thương, Sở KH&CN tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động tiếp nhận và chuyển giao CNSH để phục vụ công nghiệp chế biến; sản xuất và sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, thân thiện với môi trường; Ứng dụng chuyển giao CNSH vào bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản sản phẩm đã qua chế biến, quản lý an toàn thực phẩm dự trên CNSH.
Chú trọng sản xuất các chế phẩm sinh học để phòng, chống độc tố nấm mốc, thay thế việc sử dụng hóa chất gây độc hại tới sức khỏe con người và môi trường bảo quản, chế biến các sản phẩm. Ứng dụng CNSH trong chế biến các sản phẩm nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị và thương hiệu các sản phẩm đã được bảo hộ bản quyền sở hữu công nghiệp, các sản phẩm OCOP của tỉnh; Ứng dụng CNSH sử dụng phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp làm nguyên liệu chế biến phân bón.
Trong lĩnh vực Y dược, cần ứng dụng mạnh mẽ CNSH để nâng cao hiệu quả chữa bệnh, phát triển các dịch vụ y học công nghệ cao nhằm phòng, chống hữu hiệu các loại dịch bệnh nguy hiểm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân; Tăng cường nghiên cứu và triển khai ứng dụng các quy trình kỹ thuật hiện đại trong xác định các vi sinh vật gây bệnh nhằm hỗ trợ công tác chuẩn đoán, điều trị các bệnh di truyền, truyền nhiễm và phòng, chống dịch bệnh. Áp dụng các quy trình an toàn sinh học, các sản phẩm sinh học, sử dụng có hiệu quả các bộ kit để kiểm tra an toàn thực phẩm; Quan tâm áp dụng liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo, các bệnh truyền nhiễm, các bệnh lý mãn tính mang tính chất di truyền,...
Tỉnh Bắc Giang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển CNSH, triển khai ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả CNSH, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, công thương, y dược, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Đối với lĩnh vực Bảo vệ môi trường, cần phát triển và ứng dụng CNSH để xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải, phục hồi phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, đất đai, nước, không khí; Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp CNSH trong xử lý ô nhiễm, phòng ngừa, khắc suy thoái và sự cố môi trường ngay tại cơ sở, nhất là ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, khu đô thị, khu dân cư, các trung tâm thương mại, nghiên cứu giải pháp cải thiện môi trường cho ngành xây dựng; Tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ mới để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ rác thải, phế phẩm nông nghiệp,... mang lại giá trị kinh tế bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trong lĩnh vực Nông nghiệp, Sở KH&CN có một số nhiệm vụ như: Với ngành trồng trọt, cần phục tráng, bảo tồn nguồn gen, ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ vi nhân giống, phương pháp nhân hom, chiết, ghép, giâm ngọn để cải thiện nguồn giống cây trồng thoái hóa, nhân nhanh các giống cây trồng bản địa có đặc tính ưu việt, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, làm phong phú thêm các nguồn vật liệu lai tạo giống mới hoặc tái sản xuất, phù hợp với thực tế. Xây dựng mô hình ứng dụng CNSH góp phần phát triển sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp của miền Bắc tại huyện Yên Thế theo Đề án của UBND tỉnh; Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học thế hệ mới, các chế phẩm quy mô công nghiệp, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; sử dụng rộng rãi các loại bẫy, chất dẫn dụ sinh học và các chế phẩm sinh học khác trong quá trình sản xuất; đặc biệt trong xử lý các chế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất nông nghiệp và công nghệ chế biến, sản xuất phân bón từ phụ phẩm nông nghiệp,...
Trong chăn nuôi, ứng dụng CNSH trong bảo tồn, phục tráng và phát triển các giống vật nuôi bản địa, ưu tiên ứng dụng CNSH tạo con lai có ưu thế năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt. Kết hợp với chọn giống truyền thống với sử dụng kỹ thuật gen để lựa chọn gen quý, ưu việt trong chọn tạo giống đối với các đối tượng chăn nuôi chủ lực; Ứng dụng công nghệ sinh sản (công nghệ tế bào động vật đông lạnh tinh, phôi và cấy chuyển hợp tử, thụ tinh nhân tạo, kiểm soát giới tính; áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử, công nghệ chuyển gen) trong chọn tạo các giống vật nuôi mới,../.
PV
Bình luận