Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 10/03/2022 20:03
TMO - Hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, giúp người nông dân giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thủy lợi, đến nay, cả nước có khoảng 530 nghìn ha cây trồng cạn đang áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có hơn 181.000 ha, Tây Nguyên hơn 142.000 ha, đồng bằng sông Cửu Long hơn 111.700 ha, Nam Trung Bộ hơn 44.000 ha…
Nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết cũng như diễn biêns bất thường từ biến đổi khí hậu, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trên cả nước đã nhanh chóng triển khai lắp đặt mô hình tưới nước tiết kiệm gắn với sử dụng hệ thống đường ống áp lực. Công nghệ này đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều diện tích sản xuất tại các khu vực vùng đất dốc, vùng đồi núi, đất cát ven biển.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, tính đến năm 2021 tỉnh Bình Thuận đã có 21.548 ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như: nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ cho cây lúa; tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt cho cây trồng cạn. Trong đó tưới cây trồng cạn 21.458 ha (trong đó cây thanh long chiếm 15.550 ha/29.272 ha) đạt 43,3% trên tổng diện tích cây trồng có áp dụng tưới tiết kiệm nước.
Mô hình tưới nước phun mưa cho thanh long tại Bình Thuận
Theo nông dân tỉnh Bình Thuận đánh giá, việc áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng giúp tăng năng suất cây trồng 25%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc 30%. Đặc biệt, lượng nước tiết kiệm từ 40-45% so với phương pháp tưới truyền thống.
Nông dân huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại vườn cà phê
Đến cuối năm 2021 diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 44.265 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 21% diện tích canh tác cần tưới. Việc áp dụng công nghệ này cho cây trồng cạn nhất là cây rau, hoa có giá trị kinh tế cao đã tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới so với tưới truyền thống.
Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 4.000 ha cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, trong đó có hơn 3,5 nghìn ha tưới phun mưa cục bộ, gần 60 ha tưới nhỏ giọt bình thường, 370 ha tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân và 134 ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước qua nhà lưới, nhà kính. Việc áp dụng công nghệ trên đã nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Từ hiệu quả cao trong việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, Tổng cục Thủy lợi đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn cả nước đạt từ 700.000 đến 800.000 ha.
Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy cho một bộ phận cán bộ ở địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đồng thời, thực hiện đào tạo, chuyển giao công nghệ về tưới tiết kiệm nước gắn với khuyến nông, xây dựng nông thôn mới.
Bích Thùy
Bình luận