Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ sáu, 27/09/2024 14:09
TMO - Để việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở do bão số 3 trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo thống nhất, kịp thời, đúng chính sách, UBND tỉnh Yên Bái đã có hướng dẫn về một số nội dung thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ: Là các hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh Yên Bái có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn; nhà ở bị hư hỏng nặng hoặc hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do ảnh hưởng của cơn bão số 3; hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 30% trở lên (trường hợp các hộ gia đình đã được hưởng chính sách hỗ trợ làm nhà theo Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023-2025 nhưng bị thiệt hại do cơn bão số 3 vẫn được xem xét, hỗ trợ nếu đủ điều kiện theo quy định). Các hộ gia đình chỉ có các công trình phụ trợ như bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh... nằm biệt lập với nhà ở bị thiệt hại, còn nhà ở không thiệt hại thì không đủ điều kiện xem xét, hỗ trợ.
Đối với tiêu chí xác định mức độ thiệt hại về nhà ở: Nhà ở bị sập, đổ, trôi hoàn toàn là nhà thuộc một trong các trường hợp: Nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn do mưa, lũ, sạt lở đất. Nhà có các kết cấu chính gồm: tường chịu lực, cột, mái (bao gồm cả kết cấu chịu lực của mái nhà như: Dầm, xà gồ, vì kèo, đòn tay...) đã bị nứt, gãy, đổ, biến dạng nghiêm trọng đến mức không thể sửa chữa, khắc phục và phải dỡ bỏ để làm nhà mới.
Nhà ở phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền là căn nhà ở được xây dựng tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất hoặc bị mưa, lũ cuốn trôi, ảnh hưởng đến sự an toàn của con người và tài sản và được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu phải di dời đến địa điểm khác để đảm bảo an toàn về con người và tài sản.
Nhà ở bị hư hỏng năng: Là căn nhà có các kết cấu chính gồm: tường chịu lực, cột, mái (bao gồm cả kết cấu chịu lực của mái nhà như: Dầm, xà gồ, vì kèo, đòn tay...) đã bị gãy, biến dạng khiến cho căn nhà bị bị hư hỏng nặng, không thể ở được, cần phải sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong. Nhà bị tốc mái, hỏng mái: Thực hiện theo Hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với hộ gia đình có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ.
Đối với hộ gia đình có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn: 60 triệu đồng/hộ; Đối với hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hỗ trợ chi phí di dời nhà ở và làm nhà ở mới: 60 triệu đồng/hộ. Đối với hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng: 30 triệu đồng/hộ;
Ngoài ra, hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 30% đến dưới 50% diện tích mái: 02 triệu đồng/nhà; Hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 50% đến dưới 70% diện tích mái: 03 triệu đồng/nhà; Hộ gia đình có nhà ở bị tốc mái, hỏng mái từ 70% diện tích mái trở lên: 04 triệu đồng/nhà. Ngoài các mức hỗ trợ nêu trên, tùy vào điều kiện thực tế, tỉnh và các địa phương tiếp tục huy động thêm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm để hỗ trợ các hộ gia đinh bị thiệt hại về nhà ở nhằm nâng cao chất lượng nhà ở.
Đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng loại nhà do các tổ chức, cá nhân hảo tâm tham gia hỗ trợ quyết định sau khi thống nhất với Chính quyền địa phương. Các gia đình bị thiệt hại về nhà ở và dòng họ, cộng đồng dân cư nơi cư trú, tùy theo điều kiện, tình hình thực tế có trách nhiệm huy động, đóng góp thêm về kinh phí, nhân công, vật liệu tại chỗ để góp phần nâng giá trị căn nhà được làm mới, sửa chữa.
Trưởng các thôn, bản, tổ dân phố hướng dẫn hộ gia đình lập Tờ khai đề nghị hỗ trợ làm nhà ở theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP, lập danh sách các hộ bị thiệt hại về nhà ở, chủ trì họp với đại diện các tổ chức có liên quan và đại diện cộng đồng dân cư tại thôn, bản, tổ dân phố để xác định thiệt hại, hiện trạng nhà ở và xét duyệt các hộ đủ điều kiện hỗ trợ cụ thể, trên cơ sở đó hoàn thiện danh sách kèm theo biên bản cuộc họp, gửi UBND xã, phường, thị trấn.
UBND xã, phường, thị trấn thành lập các Tổ rà soát do lãnh đạo cấp xã (Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tố quốc xã) làm Tổ trưởng, thành viên là các công chức có liên quan thuộc UBND xã và một số thành phần liên quan (như: Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, đại diện Công an xã...) để rà soát, xác định mức độ thiệt hại về nhà ở đối với từng trường hợp đã được thôn, bản, tổ dân phố báo cáo. Số lượng thành viên của 01 Tổ rà soát tối thiểu từ 03 người trở lên.
Kết thúc rà soát, các Tổ rà soát lập biên bản về kết quả rà soát, trong đó xác định rõ số lượng, danh sách các hộ thiệt hại về nhà ở; hiện trạng từng căn nhà (phần móng, phần tường, phần mái hoặc nguy cơ sạt lở, lũ, lụt... gây mất an toàn cho con người, công trình nhà ở - đối với nhà phải di dời) gửi UBND cấp xã. Căn cứ báo cáo của các Tổ rà soát, UBND cấp xã tổng hợp danh sách và có văn bản gửi UBND cấp huyện và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ danh sách báo cáo thiệt hại về nhà ở của các xã, phường, thị trấn, tiến hành kiểm tra, thẩm định, trên cơ sơ đó tổng hợp số lượng, danh sách các hộ gia đình có nhà ở bị sập, trôi, đổ hoàn toàn, hư hỏng nặng, di dời khẩn cấp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), đồng thời ra Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách và nguồn kinh phí của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ và nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố do Ban Vận động cứu trợ tỉnh vận động và quản lý theo quy định (đối với các hộ gia đình phải di dời nhà ở khấn cấp, ban hành Quyết định để đảm bảo đủ điều kiện hỗ trợ).
Thúy An
Bình luận