Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 16:11
Thứ tư, 21/02/2024 07:02
TMO - Ngành hàng rau quả của Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trên thị trường khi kim ngạch xuất khẩu liên tục gia tăng tại các nước có tiêu chuẩn cao.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu hoa quả những ngày đầu năm tiếp tục đà tăng, giá trị xuất khẩu của tháng đầu năm nay tăng 112,1% so với tháng 1/2023. Trong năm 2023, nhiều loại hoa quả đã có sự tăng trưởng vượt trội. Điển hình đó là sản phẩm sầu riêng. Sầu riêng xuất khẩu năm 2023 đã đạt 2,2 tỷ USD, tăng 430,1% so với năm 2022. Thanh long đứng vị trí thứa hai với giá trị xuất khẩu đạt 523 triệu USD, tiếp theo là chuối, đạt 242 triệu USD, mít 168 triệu USD và xoài 154 triệu USD. Xoài cũng được đánh giá là loại trái cây có thể bứt phá mạnh mẽ trong năm tới.
Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu chuối lớn trên thế giới. Tiềm năng xuất khẩu của trái chuối tươi và chế biến còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Vài năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam do thuận lợi về vị trí địa lý. Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng trong khi dịch bệnh xuất hiện khiến cây trồng này kém hiệu quả. Thị trường Nhật Bản cũng gia tăng nhập khẩu chuối của Việt Nam. Riêng sản phẩm chuối khô của Việt Nam đang dẫn đầu thị phần nhập khẩu vào Nhật Bản khi chiếm gần 60%.
Bên cạnh sầu riêng, chuối, thì dừa được đánh giá là một sản phẩm tiềm năng bứt phá trong năm 2024. Thông tin từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đây là mặt hàng có khả năng bước vào nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ đô-la của Việt Nam khi từ đầu tháng 8/2023, Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) đã chính thức phê duyệt nhập khẩu dừa non Việt Nam. Việt Nam thuộc top 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 200.000 ha dừa, với sản lượng khoảng 2 triệu tấn. Sắp tới, khi dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì loại trái cây này được dự báo sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.
Sắp tới, khi dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì loại trái cây này được dự báo sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.
Ngoài chủng loại quả, xuất khẩu các sản phẩm chế biến cũng tăng trưởng đáng kể trong năm 2023, đây là xu hướng của thị trường và các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam cũng mang lại kết quả tăng trưởng tích cực, đạt 1,28 tỷ USD, tăng 19,9% so với năm 2022. Rau quả Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế của hoa quả Việt Nam, điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành rau quả.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, ngoài các sản phẩm rau quả chủ lực đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng, thì các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm trái cây có múi, dừa, sầu riêng cấp đông, ớt... Đây đều là những loại rau quả có diện tích, sản lượng lớn trên cả nước. Nếu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ có giá trị thúc đẩy hơn nữa sản xuất và kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung của Việt Nam thời gian tới.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam cũng đang tiếp cận hiệu quả các thị trường lớn khác. Tại thị trường Australia, sầu riêng cũng được ghi nhận có tốc độ tiêu thụ tốt trong mấy năm trở lại đây. Với kết quả đạt được trong năm 2023, triển vọng xuất khẩu hàng hoa quả trong năm 2024 rất khả quan, khi nhiều chủng loại hàng hoa quả của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dự kiến trị giá xuất khẩu hàng hoa quả trong năm 2024 đạt trên 6,5 tỷ USD.
Các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng mặt hàng rau quả chủ lực để thuận lợi cho xuất khẩu.
Trong những ngày đầu năm 2024, xuất khẩu nông sản của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh, liên tục đón tin vui. Chỉ tính riêng tháng 1-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm, ngành hàng đều tăng trưởng, kỳ vọng sự đột phá trong năm nay. Trong tháng 1-2024, Việt Nam đã có hàng loạt các đơn hàng xuất khẩu nông sản đến các thị trường lớn. Chẳng hạn như lô xoài tượng da xanh của huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Australia. Tương tự, mặt hàng gạo cũng đón chờ một năm thành công, khi các tín hiệu từ các thị trường là khá khả quan. Ngay từ đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã nhận được các đơn hàng.
Sự khởi sắc về xuất khẩu trong tháng đầu năm 2024 còn phải kể đến nhóm, ngành hàng thủy sản. Năm 2023 là năm khó khăn đối với nhóm, ngành hàng này, nhưng từ tháng 1-2024, xuất khẩu thủy sản đã tăng ở nhiều thị trường, báo hiệu sự khởi sắc trở lại. Tháng 1-2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm trước và giá trị xuất khẩu nông sản cũng đều tăng. Trong đó, nông sản đạt 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%...
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% (tăng 106,9%). Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,8% (tăng 95,9%) và Nhật Bản chiếm 7,4% (tăng 47,5%).ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu, năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD. Trong đó rau, quả, gạo, thủy sản, lâm sản là nhóm hàng chủ lực, kỳ vọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành.
Năm 2024, ngành hàng rau, quả của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 15-20%, tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí tiến tới mốc 7 tỷ USD. Hiện tại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau, quả. Tương tự, nhóm, ngành hàng thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, khi nhiều thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, gạo, lâm sản, các sản phẩm đồ gỗ cũng được ngành Nông nghiệp kỳ vọng có một năm phục hồi, khởi sắc để đưa giá trị xuất khẩu của toàn ngành lên cao.
Phương Thảo
Bình luận