Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 11:04
Thứ tư, 09/04/2025 15:04
TMO - Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu giá trị gia tăng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2025 tăng 4% trở lên. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.
Trong quý I/2025, tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp đạt 3,7%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cả năm đạt từ 4,0-4,2%, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đặt mục tiêu cho các quý còn lại của năm: Quý II đạt 4,1%, quý III đạt 4,2% và quý IV đạt 3,9%.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đặt mục tiêu cho từng ngành. Cụ thể, với lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) quý II đạt 3,89%, quý III đạt 4,1%, quý IV đạt 3,75%, cả năm đạt 3,85%. Với lâm nghiệp, quý II đạt 5,22%, quý III đạt 5,06%, quý IV đạt 5,25%, cả năm đạt 5,47%. Với thủy sản, quý II đạt 4,07%, quý III đạt 3,97%, quý IV đạt 3,89%, cả năm đạt 4,35%.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 64-65 tỷ USD trong năm nay và hướng đến 70 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt chỉ tiêu cho từng nhóm hàng. Đối với cà phê đạt con số 5,5 tỷ USD, cao su 3,3 tỷ USD, chè 270 triệu USD, gạo 5,7 tỷ USD, rau quả 7,6 tỷ USD, hạt điều 4,5 tỷ USD, hồ tiêu 1,35 tỷ USD, sắn và sản phẩm từ sắn 1,3 tỷ USD, chăn nuôi 550 triệu USD, thủy sản 10,5 tỷ USD, gỗ và lâm sản 18,5 tỷ USD và các sản phẩm khác đạt 5,88 tỷ USD.
Để đảm bảo mục tiêu đề ra, kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Trước hết, nâng cao nhận thức, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới trong toàn ngành nông nghiệp và môi trường để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ tăng trưởng ngành và xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ rà soát và sửa đổi toàn diện các văn bản pháp luật chuyên ngành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với mô hình tổ chức sau sáp nhập, đặc biệt với chính quyền địa phương cấp 2. Đồng thời, Bộ phối hợp với các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan để hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các dự án và tín dụng xanh, thúc đẩy đầu tư cho các ngành kinh tế thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp và thủy sản. Bộ sẽ tập trung cơ cấu lại các tiểu ngành, lĩnh vực và trong từng ngành thực chất, hiệu quả, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thông qua tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hướng tới mục tiêu đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.
Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao hiệu quả từ nông sản có giá trị thấp sang nông sản có giá trị cao, chuyển đổi những vùng lúa năng suất thấp, một vụ sang sản xuất cây trồng hoặc vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi... đáp ứng yêu cầu thị trường; bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất (thời vụ, cơ cấu và diện tích), hạn chế tối đa thiệt hại do thời tiết…
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên và môi trường để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành. Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát cắt giảm, đơn giản hoá quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực, nhất là môi trường, kiểm tra chuyên ngành, đất đai, khoáng sản…
Tăng cường chuyển đổi số; thực hiện đột phá trong ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cụ thể như: công nghiệp hóa nông nghiệp; nâng cao trình độ chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh được đặt lên hàng đầu, với định hướng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, song song với thúc đẩy tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống phân phối hiện đại. Ngành cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng Bộ tiêu chí phân loại thị trường, xác định chỉ tiêu xuất khẩu theo tiểu ngành, lĩnh vực và thị trường, đặc biệt thị trường còn nhiều tiềm năng; xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với những thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các thị trường Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.
Thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Ngành nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu giống, canh tác đến chế biến, đồng thời xây dựng nền tảng dữ liệu số và hệ thống dự báo để nâng cao hiệu quả quản lý. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ tiếp cận công nghệ và mô hình sản xuất thông minh.
Đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Ngành nông nghiệp và môi trường sẽ đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nhằm tạo sự đồng thuận và quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền các mô hình sản xuất hiệu quả, khắc phục tình trạng thông tin không chính xác ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất kinh doanh./.
Hồng Ngát
Bình luận