Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ ba, 07/05/2024 08:05
TMO - Đơn hàng xuất khẩu tăng đã giúp hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thu về 4,84 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2024 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024, và tăng 14,1% so với tháng 4/2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,84 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cho biết, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi kỳ vọng cho ngành hàng này có cơ hội tăng tốc xuất khẩu trước mắt trong quý II và cả năm 2024.
Năm 2023, tác động của sự suy giảm kinh tế tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành gỗ Việt, cuộc chiến Nga – Ukraine, khủng hoảng năng lượng, đặc biệt tại EU, và một số yếu tố vĩ mô khác khiến cho cầu tiêu dùng đồ gỗ giảm mạnh. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã giảm 15,9% so với 2022, chỉ đạt 14,39 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên trong 15 năm ngành gỗ Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm trong khâu xuất khẩu.
Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD.
Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành từ 5 thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU đạt trên 11,74 tỷ USD, chiếm trên 89,13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này giảm từ 12% đến 30% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 7,1 tỷ USD, chiếm trên 53,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 1,73 tỷ USD, giảm 20,4% so với năm 2022, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhật Bản: đạt trên 1,65 tỷ USD, giảm 12,5%, Hàn Quốc: đạt trên 796,81 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2022, EU đạt trên 455,52 triệu USD, giảm 29,5% so với năm 2022.
Sau năm 2023 xuất khẩu giảm 2 con số, ngành gỗ đang chờ đợi nhiều vào sự phục hồi nhập khẩu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như: hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước xuất khẩu trong đó có Việt Nam, liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững và phát triển xanh và sạch, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), giảm phát thải khí nhà kính, thiết kế sinh thái..., đặt ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt với các nhà sản xuất, cung ứng đồ gỗ trong nước.
Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu, sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 15,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ trên 14,2 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023. Hai tháng đầu năm, bức tranh cho thấy đã sáng lên. Giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ 2023; giá trị nhập khẩu đạt 355 triệu USD, tăng 31%; xuất siêu ước đạt 2,465 tỷ USD.
Theo đó, để ngành gỗ đạt được mục tiêu trên và phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hải Minh
Bình luận