Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ tư, 23/08/2023 14:08
TMO - Việc thiếu đơn hàng khiến các nhà máy chế biến gỗ phải giảm công suất, lao động, thậm chí trả mặt bằng, nhà xưởng, khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ lao đao, kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2023.
Trong các tháng đầu năm, tác động của chính sách lẫn lạm phát và tốc độ tăng trưởng toàn cầu tăng trưởng chậm, đặc biệt tại thị trường Mỹ và EU (2 đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam) khiến cho kim ngạch xuất khẩu nói chung và các sản phẩm như gỗ nói riêng giảm mạnh. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2023 đạt gần 1,1 tỷ USD; lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn khi lạm phát và suy thoái ở các nước kéo dài, ảnh hưởng nặng đến sức mua. Các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm 89% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đều giảm. Thực tế, tình hình xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến sang Mỹ và châu Âu đã giảm đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay do sức tiêu thụ giảm mạnh. Sức mua kém khả quan đến từ tình trạng lạm phát và mặt bằng lãi suất cao ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ.
Kết quả khảo sát sơ bộ của Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho thấy, đơn hàng ở các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình 30% trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp trong ngành đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, phục vụ cho mùa mua sắm nội thất cuối năm của thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2023 đã vươn lên trên 1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm sâu, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi khi các doanh nghiệp gỗ đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại.
Tại tỉnh Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ 6 tháng ước đạt gần 2,8 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ. Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, dù đã được dự báo từ cuối trước nhưng việc thiếu đơn hàng nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đã giảm quy mô sản xuất, giảm lao động. Hiện các doanh nghiệp thành viên BIFA đang cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Tín hiệu tích cực ở Bình Dương là đơn hàng đã bắt đầu trở lại từ cuối quý II/2023, dù chưa thật nhiều. Đặc biệt là lượng tồn kho hàng hoá tại các khu vực lớn như châu Mỹ đang giảm. Điều này có ý nghĩa tích cực cho thị trường nửa cuối năm 2023. Hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ Bình Dương đang tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí, vừa nỗ lực tìm kiếm thị trường mới.
Sở Công Thương Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, hơn 100 doanh nghiệp lâm sản ngoài gỗ và hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Thời điểm 6 tháng đầu năm 2023, đơn hàng ở các doanh nghiệp trong ngành giảm trung bình trên 50%. Tuy nhiên, từ tháng 7/2023, các doanh nghiệp đã bắt đầu đón những đơn hàng trở lại, chủ yếu xuất sang thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt hiện tại, nguồn hàng tồn trước đó của các nhà máy chế biến gỗ cơ bản đã được giải phóng, các nhà máy đang hoạt động trở lại.
Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản ngoài gỗ Nghệ An cho biết: Mặc dù ngành gỗ đã có khởi sắc, các doanh nghiệp đã tìm được các đơn hàng xuất khẩu, tuy nhiên số lượng đơn hàng chưa lớn, do vẫn còn khó khăn ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp gỗ ở Nghệ An vẫn phải chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước...
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu thị trường gỗ toàn cầu gia tăng mỗi năm từ 7-8%, điều này đồng nghĩa với việc ngành gỗ nước ta còn nhiều dư địa, cơ hội phát triển trong thời gian tới. Do đó, các chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời, do khó khăn chung của thị trường. Thị trường có thể ấm lên khi lạm phát được kiểm soát, nhu cầu của các thị trường ấm trở lại.
Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ đang được tháo gỡ khó khăn về thuế. Cụ thể: việc nộp thuế giá trị gia tăng hiện được gia hạn 6 tháng cho quý 1/2023; 5 tháng cho quý 2/2023; 4 tháng cho tháng 7/2023; 3 tháng cho tháng 8/2023. Thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 đang được gia hạn 3 tháng. Doanh nghiệp cũng được miễn 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023, gia hạn 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023. Giữa những khó khăn, thách thức, các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn đặt kỳ vọng năm 2023, ngành gỗ sẽ cán mốc xuất khẩu 17 tỷ USD.
Trong những năm qua, với nỗ lực của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại thị trường của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với con số ấn tượng trên đã giúp Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 Châu Á và thứ nhất Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 5.400 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Theo đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021–2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022, mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ…
Hồng Hạnh
Bình luận