Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ hai, 04/07/2022 20:07
TMO - Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu cao su trong tháng 6/2022 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 10,4% về lượng và tăng 8,1% về trị giá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong các thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam, với sự gia tăng xuất khẩu cả về lượng và giá trị trong những tháng đầu năm.
Dây chuyền đóng gói cao su phục vụ xuất khẩu
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với gần 1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ lực tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Đức, Pakistan, Nga, Indonesia, Brazil, Hà Lan, Peru…
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong tháng 5/2022, nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu tiếp tục cải thiện, với sản lượng đạt 991 nghìn tấn, tăng 5,3% so với tháng 4/2022; trong khi nhu cầu ước tính đạt 1,189 triệu tấn. Do đó nguồn cung thiếu hụt khoảng 198 nghìn tấn. ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu trong các năm tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù những yếu tố thế giới tác động đến thị trường cao su thiên nhiên, nhưng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã đưa thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam từ thuế suất 3% giảm còn 0%.
Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRG), diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000ha. Trong đó, phần diện tích tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Phần còn lại là diện tích của các công ty, với diện tích của các công ty nhà nước (quốc doanh) chiếm gần 40%, công ty tư nhân chiếm gần 10%.
Để có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 3,5 tỷ USD như đã đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp trong ngành cao su đang tiến tới liên kết chặt chẽ với các hộ cao su tiểu điền mới có thể đảm bảo sản xuất, đáp ứng mục tiêu.
Những tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, thị trường cao su có khả năng hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu.
Nguyễn Hạnh
Bình luận