Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 18:11
Thứ bảy, 16/07/2022 20:07
TMO - Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 6/2022 đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.
Về giá xuất khẩu cà phê, trong tháng 6/2022 giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5/2022 và tăng 18,9% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê biến động trái chiều,kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 giảm 7 USD/tấn ở mức 1.923 USD/tấn, giao tháng 11/2022 giảm 11 USD/tấn ở mức 1.924 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2022 tăng 4,5 cent/lb, ở mức 199,8 cent/lb, giao tháng 11/2022 tăng 3.85 cent/lb, ở mức 196,6 cent/lb.
Quốc gia có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới là Brazil tiếp tục phải đối mặt tình trạng thiếu container mặc dù tình hình đã cải thiện trong những tuần gần đây. Bên cạnh đó, nước này cũng có một vụ mùa sản lượng thấp hơn theo chu kỳ hai năm một lần của cây cà phê Arabica.
Xuất khẩu cà phê trong 6 tháng đầu năm thu về 2,3 tỷ USD, tăng hơn 21% về lượng so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Vũ Long
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đồng thời cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường này giảm sút. Mặt khác, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu do lạm phát tăng cao, tình hình kinh tế khó khăn.
Trong nước, nông dân trồng cà phê đang chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) đưa ra cảnh báo giá cả vật tư phân bón tăng cao sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư chăm bón. Điều này có thể khiến sản lượng robusta sụt giảm 10% trong vụ sắp tới.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021-2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020-2021, xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg/bao). Nguyên nhân là do cà phê Arabica tại Brazil bước vào chu kỳ năng suất thấp hai năm một lần và ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết bất lợi.
Việt Nam là quốc gia lớn thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ đứng sau Brazil. Trong năm 2022, nguồn cà phê từ Brazil giảm sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nói chung, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Thủy Nguyễn
Bình luận