Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ ba, 10/10/2023 07:10
TMO - Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người dân, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vĩnh Long cho biết, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Vì vậy, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện, có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng. Khi có vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng đó sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường, đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, mã số vùng trồng được coi là "tấm vé thông hành” của nông sản. Cũng theo xu thế đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp Yên Bái đã chủ động phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn người dân xây dựng vùng trồng, tổ chức thiết lập những vùng trồng được cấp mã số.
Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 107 vùng trồng đã được cấp mã số, hàng chục cơ sở được chứng nhận các tiêu chuẩn GAP, ISO và tương đương, khoảng 30 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu… Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả; chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên.
Việc quản lý chặt chẽ chất lượng nông sản tại các vùng trồng được cấp mã là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long triển khai. Ảnh: BD.
Năm 2021, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ở Vĩnh Long đạt 350 triệu đồng/ha/năm, đã vượt chỉ tiêu 280 triệu đồng/ha/năm trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025. Cây ăn quả đang là hướng chuyển dịch mạnh trong nội bộ lĩnh vực trồng trọt ở Vĩnh Long. Người dân chuyển dần các diện tích sản xuất lúa sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðến cuối năm 2022, diện tích cây ăn trái của Vĩnh Long là 57.179ha, tăng 7.373ha so với năm 2020 (tăng gần 15%), trong đó tăng mạnh nhất là diện tích trồng cam sành, sầu riêng…
Việc xây dựng các cơ sở đạt chuẩn GAP và tương đương cũng như việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được ngành nông nghiệp Vĩnh Long quan tâm nhằm tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh được tiêu thụ tốt ở trong nước và nước ngoài. Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khẩn trương phối hợp các ngành, địa phương và người dân thực hiện tốt việc cấp mã số vùng trồng, bảo đảm cho các nông sản chủ lực đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Trong công tác xây dựng, quản lý mã số vùng trồng nhằm đưa nông sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu thì việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HÐND, ngày 14/12/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh với bảy chính sách trọng tâm.
Cụ thể, tỉnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu sản xuất, hỗ trợ điều kiện cần về cơ sở vật chất, phần cứng tạo nền móng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Nhóm chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc là điều kiện đủ để góp phần tăng tính cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, uy tín, nâng cao giá trị nông sản, phục vụ xuất khẩu...
UBND tỉnh cho biết, quy hoạch vùng trồng là nhiệm vụ quan trọng, vừa bảo đảm xây dựng vùng hàng hóa tập trung, vừa giúp công tác đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng Kế hoạch Sản xuất cây trồng chủ lực để định hướng phát triển và tổ chức sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; dự kiến đến năm 2030, diện tích đạt 169.500 ha, sản lượng khoảng 2,6 triệu tấn/năm. Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân. Công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan được tỉnh thực hiện kịp thời, hiệu quả. Vĩnh Long đã xây dựng liên kết tiêu thụ với 11 doanh nghiệp, gồm 47 mã số vùng trồng trên cây sầu riêng, khoai lang… có diện tích hơn 1.200 ha.
Thời gian tới, địa phương này sẽ bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội hằng năm của tỉnh; tập trung phát triển vùng cây trồng theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng, đóng gói sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, liên kết tiêu thụ nông sản.
Đặc biệt, có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhằm khuyến khích, phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo đúng hướng dẫn Trung ương; chú trọng các quy định, điều kiện sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc, các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện nghiêm công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số...
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng nông sản, phục vụ xuất khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) xuất sang 11 thị trường. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động. Tuy nhiên, theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%; cơ sở đóng gói là 17%.
Thời gian qua, Cục Bảo vệ Thực vật đã nhận được các thông báo từ Trung Quốc về các lô hàng không tuân thủ kiểm dịch thực vật với hàng xuất khẩu (chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, ớt) hoặc các lô hàng không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không phải do Cơ quan Kiểm dịch Thực vật của Việt Nam cấp.
Mặc dù Bộ NN&PTNT đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh nhưng chuyển biến ở các địa phương liên quan đến việc quản lý, cấp mã số vùng trồng tiến triển rất chậm. Trong 8 tháng của năm 2023, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng với 439 trường hợp vi phạm. Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Cục Bảo vệ Thực vật tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu; cập nhật thông tin, quy định của nước nhập khẩu công khai trên website http://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để người dân dễ tiếp cận và tra cứu thông tin nhanh chóng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Các cơ quan kiểm dịch thực vật thuộc Cục Bảo vệ Thực vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng, kịp thời phát hiện, xử lý và thông báo đối với các vi phạm.
Đối với vùng trồng, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và tuân thủ yêu cầu nước nhập khẩu, hướng đến thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), đặc biệt chú trọng việc ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác. Cơ sở đóng gói cần xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc. Vùng trồng và cơ sở đóng gói phải xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng và sự tuân thủ, thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các lô hàng trước khi chuyển tới nhà đóng gói hoặc trước khi xuất xưởng...
Thu Trang
Bình luận