Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ ba, 07/02/2023 22:02
TMO - Tỉnh Tây Ninh đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả trong việc tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường và các cơ sở dữ liệu khác, góp phần gia tăng giá trị của thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác...
Tây Ninh là tỉnh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nền kinh tế của tỉnh phát triển tương đối toàn diện và liên tục. Đặc biệt, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển vững chắc.
Với sự phát triển kinh tế đặc biệt là sự phát triển công nghiệp, vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường có chiều hướng gia tăng. Nguồn gây ô nhiễm chính đến môi trường tỉnh Tây Ninh là các nguồn thải công nghiệp đã qua xử lý và nước thải sinh hoạt của các khu dân cư đang sinh sống trên lưu vực sông, kênh, rạch chưa được xử lý thải trực tiếp vào nguồn nước do hiện nay tất cả các khu đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Dưới sức ép của tăng trưởng dân số, tỉnh Tây Ninh đang đối mặt với nhiều thách thức trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và môi trường.
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các dữ liệu về tài nguyên và môi trường phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý trên địa bàn tỉnh chưa được lữu trữ trên hệ thống dữ liệu thống nhất, chỉ được lưu trên các văn bản giấy hoặc dạng file (*.doc, .xls,...). Việc lưu trữ riêng rẽ, thiếu tính hệ thống sẽ dẫn đến trùng lặp nội dung hoặc thiếu nhất quán về thông tin được lưu trữ cũng như gây khó khăn trong việc thu thập, cập nhật, quản lý và chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Trạm quan trắc nước mặt tự động giám sát chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông tại cầu Gò Chai (ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành). Ảnh: MD
Nhằm khắc phục những hạn chế này, tỉnh Tây Ninh triển khai Đề án Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” với mục tiêu thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về quan trắc tài nguyên và môi trường, đồng thời ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại nhằm thu nhận, quản lý thống nhất, đáp ứng yêu cầu công bố, cung cấp, khai thác, chia sẻ kịp thời thông tin tài nguyên và môi trường phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Đồng thời, tạo lập dữ liệu để chia sẻ dữ liệu với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống điều hành của tỉnh, Bộ, ngành và Trung ương để phục vụ công tác điều hành, quản lý. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường; Hoàn thiện nền tảng hệ thống quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Việc triển khai thực hiện Đề án sẽ mang lại hiệu quả trong việc tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường và các cơ sở dữ liệu khác nhằm làm gia tăng giá trị của thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường; phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác hiệu quả; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu qủa công tác quản lý nhà nước tiến tới giảm lượng hồ sơ giấy phát sinh và chuyển dần sang dữ liệu dạng số; đảm bảo cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường được xây dựng đồng bộ, đầy đủ và xuyên suốt thống nhất tạo nền tảng cho triển khai chính quyền điện tử và đô thị thông minh theo chủ trương của tỉnh.
Bên cạnh đó, còn chia sẻ, kết nối dữ liệu với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và tích hợp vào Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời cũng là cơ sở để hàng năm ngành tài nguyên và môi trường chủ động xây dựng kế hoạch cập nhật, thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, quan trắc, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, địa chất khoáng sản, đa dạng sinh học, tài nguyên nước,... tạo thành “Kho tư liệu ngành tài nguyên và môi trường” đúng theo quy định về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường và các quy định có liên quan khác.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục xây dựng, rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ thu nhận, tạo lập, quản lý, kết nối, chia sẻ nguồn dữ liệu về tài nguyên và môi trường; Xây dựng, hoàn thiện các nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đảm bảo kết nối, liên thông, cung cấp, chia sẻ dữ liệu; Nâng cấp, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin.
Hàng năm, cập nhật bổ sung các cơ sở dữ liệu thành phần cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường. Chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường đã được xây dựng. Kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Truyền dữ liệu về Trung tâm giám sát, điều hành Kinh tế - Xã hội tập trung tỉnh Tây Ninh (IOC) và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trang bị hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện và tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Nguyễn Nga
Bình luận