Hotline: 0941068156
Thứ hai, 12/05/2025 16:05
Thứ hai, 12/05/2025 06:05
TMO - Các nhà khoa học trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu và lai tạo thành công giống cá sặc rằn mới có năng suất vượt trội, phù hợp với điều kiện nuôi tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Cà Mau. Thành tựu này góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Đây là kết quả của quá trình chọn lọc, lai tạo dựa trên nguồn gen cá sặc rằn bản địa, kết hợp ứng dụng kỹ thuật chọn giống tiên tiến, nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng, sức đề kháng và hiệu quả nuôi thương phẩm.
Theo nhóm nghiên cứu, giống cá sặc rằn mới có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn từ 15–20% so với giống truyền thống, tỷ lệ sống cao và thích nghi tốt với điều kiện môi trường biến động, đặc biệt là vùng ngọt hoá ở Cà Mau.
Các chuyên gia ngành thuỷ sản cho biết, mùa vụ sinh sản tự nhiên của cá sặc rằn thường từ tháng 4 đến tháng 10. Một kilôgam cá cái có thể cho 200.000-300.000 trứng. Một năm cá có thể đẻ 3-4 lần, thời gian tái thành thục là 25-30 ngày. Cá sặc rằn (hay cá sặc bổi) là một trong những loài cá nước ngọt quen thuộc, được người tiêu dùng ưa chuộng bởi thịt thơm ngon, ít xương và có thể chế biến thành nhiều món, đặc biệt là khô bổi - một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau.
Loài cá này có khả năng thích nghi tốt với cả môi trường nước ngọt và nước lợ, rất phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương. Đại diện Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện nay, diện tích nuôi cá sặc rằn ở Cà Mau vào khoảng gần 150 ha, tập trung chủ yếu tại hai huyện U Minh và Trần Văn Thời.
Cá sặc rằn thương phẩm được tiêu thụ dưới hai hình thức chính là cá tươi sống và cá khô bổi. Người dân thường nuôi theo kinh nghiệm, chủ yếu bằng thức ăn tự nhiên, ít chăm sóc sức khỏe của cá và theo dõi nguồn nước nuôi,…
Vì vậy, cá dễ gặp dịch bệnh khi thời tiết thay đổi bất lợi (mưa nắng kéo dài, hạn hán, thiếu nước ngọt,…), năng suất bình quân nuôi chuyên canh chưa cao - khoảng 26,8 tấn/ha/vụ. Thời gian gần đây, nghề nuôi cá sặc rằn ở Cà Mau gặp không ít khó khăn, như chất lượng con giống giảm, chi phí đầu tư lớn, giá bán không ổn định và chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Trước thực trạng này, Sở KH&CN tỉnh Cà Mau đã triển khai đề tài “Hiện trạng và nghiên cứu biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất cá sặc rằn vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau”. Sau quá trình nhân nuôi, nghiên cứu, đã nhân giống thành công giống cá sặc rằn cho năng suất vượt trội. Cụ thể, tỷ lệ protein 41%, nhu cầu lipid tối đa là 8,6% trong thức ăn giúp cá phát triển nhanh, khỏe mạnh; mức cho ăn tương đương 92% mức ăn thỏa mãn, giúp tiết kiệm chi phí thức ăn và giảm thiểu tình trạng dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm ao nuôi. Trước đó, qua khảo sát của ngành chuyên môn, cá phát triển tốt, trọng lượng khoảng 40 - 50 con/kg. Để dự án mang lại hiệu quả, ngành chuyên môn huyện U Minh đã tổ chức tập huấn cho 90 hộ dân trong vùng thực hiện dự án về kỹ thuật nuôi cá đồng gắn với bảo vệ nguồn lợi cá đồng.
Cá sặc rằn có hương vị thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo nhóm nghiên cứu, mỗi năm, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh cung cấp khoảng 50 – 70 triệu cá bột (giai đoạn ấu trùng cá mới nở ra từ trứng, còn rất nhỏ, chưa phát triển đầy đủ các cơ quan), chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
90% lượng cá bột dùng trong tỉnh được người nuôi nhập từ các tỉnh khác như Đồng Tháp, Cần Thơ, sau đó đưa vào ương và nuôi thương phẩm. Trong khi đó, kết quả phân tích di truyền cho thấy đàn cá sặc rằn tự nhiên tại Cà Mau có mức độ đa dạng di truyền cao hơn (trong một quần thể, cá thể có nhiều biến thể gen khác nhau, nghĩa là các cá thể trong quần thể khác nhau rõ về hình thái, sức tăng trưởng, khả năng chống chịu...) so với cá nuôi lâu năm tại Đồng Tháp.
Đây là nguồn gen quý giá, cần được bảo tồn và khai thác hợp lý. Nhóm nghiên cứu đã ghép phối giữa cá bố mẹ từ Cà Mau và Đồng Tháp, tạo ra thế hệ cá con có tính đa dạng di truyền cao, khỏe mạnh và thích nghi tốt, tạo tiền đề cho việc sản xuất giống cá chất lượng. Nhóm đã tuyển chọn được 1.000 kg cá sặc rằn hậu bị (cá thể cá bố mẹ có khả năng sinh sản, sức khỏe tốt, không bị bệnh) để chuyển giao cho các hộ dân tại huyện Trần Văn Thời sản xuất giống.
Đồng thời, mô hình nuôi chuyên canh được triển khai tại ba hộ dân trong hai vụ nuôi, đạt năng suất cao từ 30 – 44 tấn/ha, cao hơn so với mô hình nuôi truyền thống; khối lượng cá đạt từ 4 – 6 con/kg, tỷ lệ sống từ 38,5 – 68,9%. Nhóm nghiên cứu đã phát triển mô hình nuôi cá sặc rằn kết hợp trồng lúa (tạo các ô, mương trong ruộng lúa để nuôi cá kết hợp đồng thời với trồng lúa) cũng cho kết quả khả quan.
Sau tám tháng nuôi tại ba hộ dân, mô hình đạt năng suất từ 1,5 – 2,7 tấn/ha/vụ, tỷ lệ sống từ 35 – 63%, khối lượng cá từ 5 – 7 con/kg. Theo nhóm nghiên cứu, ngoài việc áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong nuôi cá (kiểm soát chất lượng nước nuôi, theo dõi sức khỏe thường xuyên,….), cần sử dụng thức ăn chất lượng cao, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho cá theo từng giai đoạn phát triển.
Thành công trong lai tạo giống cá sặc rằn năng suất cao được đánh giá là bước tiến quan trọng, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, giảm áp lực lên các loài nuôi truyền thống. Đây cũng là hướng đi phù hợp trong bối cảnh ngành thủy sản đang đẩy mạnh chuyển đổi mô hình canh tác theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị gia tăng. Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trình diễn, chuyển giao kỹ thuật nuôi và nhân giống rộng rãi để phát huy hiệu quả kinh tế của giống cá mới trong thực tiễn sản xuất.
Đức Tân
Bình luận