Hotline: 0941068156
Thứ năm, 22/05/2025 11:05
Thứ tư, 21/05/2025 06:05
TMO - Hiện nay, giống lúa mùa đặc sản của tỉnh Kiên Giang đã được các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, phục tráng thành công. Đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen quý, nâng cao giá trị lúa gạo địa phương.
Việc phục hồi và phát triển giống lúa mùa có ý nghĩa rất quan trọng, giúp xây dựng được thương hiệu gạo sạch, chất lượng cho tỉnh Kiên Giang nói riêng và cho Việt Nam nói chung. Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, TS Trần Đình Giỏi và các cộng sự thuộc Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai đề tài “Nghiên cứu phục tráng các giống lúa mùa đặc sản, hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác và xây dựng thương hiệu gạo vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang”. Sau 5 năm triển khai (2019 - 2024), đề tài đã thu thập, đánh giá và phục tráng một số giống lúa mùa đặc sản có phẩm chất gạo thơm, ngon.
Các giống lúa này đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhằm chủ động cung cấp giống lúa chất lượng cao cho người dân phát triển thế mạnh nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang, cũng như quảng bá chất lượng sản phẩm gạo Kiên Giang đến các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Chủ nhiệm đề tài cho biết, giống lúa mùa đặc sản thường được gieo cấy vào vụ mùa từ tháng Năm - tháng Sáu, thu hoạch vào cuối tháng 10 - 11, và tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng cao, mùi vị đặc trưng.
Những giống này thường được lưu giữ, chọn lọc qua nhiều thế hệ, gắn liền với tập quán canh tác truyền thống và văn hóa địa phương. Nhóm đã thí nghiệm đánh giá tính chống chịu mặn của 22 giống lúa mùa trong môi trường dinh dưỡng Yoshida (dùng phổ biến trong nghiên cứu trồng lúa và các loại cây thủy sinh chứa các nguyên tố đa lượng và vi lượng cần thiết cho cây trồng như kẽm sunfat, đồng sunfat, axit boric, canxi clorua,…), có bổ sung muối natri clorua ở các nồng độ 0‰, 4‰, 8‰ và được thực hiện trong nhà lưới.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo nghiệm chọn 5 giống lúa triển vọng là Nếp Thơm, Ba Bụi, Một Bụi, Tiêu Chệt và Bằng Đỏ để phục tráng làm thuần đến thế hệ G1 và đưa vào tám mô hình trình diễn tại 4 huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Qua đó, xác định được ba giống lúa Ba Bụi, Một Bụi và Tiêu Chệt để sản xuất siêu nguyên chủng. Nhóm đã sản xuất được 160 kg giống lúa siêu nguyên chủng cho mỗi giống.
Các giống này thuộc nhóm giống lúa mùa sớm và lỡ, phù hợp cho hệ thống canh tác lúa tại địa phương, và hiện vẫn đang được nhân rộng tại bốn huyện nói trên. Chủ nhiệm đề tài thông tin thêm, sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng là quá trình nhân giống cây trồng từ các giống thuần chủng chất lượng cao, đảm bảo sự đồng nhất về di truyền và không có sự pha tạp.
Nghiên cứu, phục tráng thành công giống lúa mùa bản địa tại Kiên Giang mở ra nhiều cơ hội về kinh tế, xuất khẩu cho ngành lúa gạo.
Các giống siêu nguyên chủng được kiểm tra kỹ lưỡng về chất lượng, sức khỏe cây trồng và khả năng chống chịu với các yếu tố môi trường. Quá trình này giúp tạo ra các cây giống đạt tiêu chuẩn cao, không có bệnh, có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và chất lượng ổn định. Nhóm nghiên cứu đã triển khai tám mô hình sản xuất các giống lúa mùa đã được phục tráng, với năng suất từ 3,5 - 4,5 tấn/ha, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và phù hợp với điều kiện canh tác tại các huyện vùng U Minh Thượng.
Qua đó, xây dựng thương hiệu gạo vùng U Minh Thượng (đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký nhãn hiệu). Việc nghiên cứu phục tráng, chọn lọc và nhân rộng các giống lúa đặc sản góp phần xây dựng thương hiệu gạo vùng U Minh Thượng.
Thành công trong công tác phục tráng giống lúa mùa đặc sản cũng mở ra cơ hội khôi phục diện tích gieo trồng giống lúa truyền thống, từ đó giúp đa dạng hóa cơ cấu giống, hạn chế rủi ro từ việc phụ thuộc vào một số ít giống thương mại phổ biến. Đồng thời, đây còn là tiền đề quan trọng để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Kiên Giang, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người nông dân.
Về mặt lâu dài, giống lúa mùa đặc sản nếu được tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và liên kết tiêu thụ chặt chẽ, sẽ góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc canh tác truyền thống. Đây cũng là minh chứng cho vai trò của khoa học – công nghệ trong việc gìn giữ tài nguyên bản địa và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng miền, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.
Việc nghiên cứu, phục tráng thành công giống lúa mùa đặc sản tại Kiên Giang có ý nghĩa quan trọng cả về mặt nông nghiệp, kinh tế lẫn văn hóa, đây là bước đi thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy nguồn gen bản địa quý hiếm vốn đang đứng trước nguy cơ mai một do tác động của biến đổi khí hậu và xu hướng canh tác giống lúa ngắn ngày. Giống lúa mùa đặc sản không chỉ thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có chất lượng gạo thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng.
Thu Hiền
Bình luận