Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ bảy, 29/10/2022 05:10
TMO - Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản đang diễn ra liên tục xuyên suốt theo từng mức độ phát triển công nghệ. Các ưu việt của công nghệ mới đã và đang được khai thác tối đa trong các hoạt động của đời sống xã hội nói chung và của ngành văn hóa nói riêng.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số Bộ đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, Bộ đang thực hiện ba dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng nền tảng số và hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ; dự án về số hóa các di sản văn hóa và Dự án chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng thành bản đồ số về hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Với một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống...Bộ VHTTDL cho biết, thời gian tới các di tích này sẽ dần dần số hóa và đưa di sản trở thành tài sản để cộng đồng dựa vào đó phát huy, đồng thời, dựa vào đó để bảo tồn, duy trì.
Cục Bảo tồn Di tích cho biết, hiện nay tại nhiều địa phương đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long…, số hóa các tài liệu Hán Nôm các văn bản, tư liệu Hán Nôm sưu tầm tại các di tích.
Chùa Một Cột thời Lý qua công nghệ thực tế ảo
Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bảo tồn di tích, đặc biệt trong việc tái hiện, phục dựng các di tích, thắng cảnh đến nay không còn quá mới mẻ. Hầu hết các di tích lớn như: đấu trường La Mã, các lăng tẩm Ai Cập cổ đại, cố đô Nara (Nhật Bản), Đại Minh cung (Trung Quốc), đền Ananda Ok Kyaung (Bagan, Myanmar)... Gần đây, việc nghiên cứu xây dựng mô hình phục dựng điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) phục vụ công tác phục dựng cũng thu hút đông đảo người quan tâm.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, có ba nền tảng số quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chiến lược quốc gia năm 2022. Thứ nhất: Nền tảng du lịch số, quản trị và kinh doanh du lịch. Nền tảng này cung cấp một hình thức kinh doanh du lịch mới cho hàng triệu doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và cơ sở du lịch trên cả nước.
Thứ hai, nền tảng dữ liệu số du lịch, chuyển đổi số là thay đổi cách làm dựa trên công nghệ số, dữ liệu số. Trong đó, dữ liệu là đầu vào quan trọng trong việc đổi mới mô hình hoạt động, cung cấp dịch vụ… từ đó hình thành hệ du lịch sinh thái công nghệ thông minh. Nền tảng dữ liệu số trong ngành du lịch được kỳ vọng là cung cấp những thông tin dữ liệu tài nguyên du lịch đã được số hóa, dữ liệu số về các khu du lịch, điểm du lịch và thị trường Việt Nam.
Thứ ba, nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số. Chuyển đổi số đưa các hoạt động môi trường thực lên môi trường số; chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch là thúc đẩy số hóa, các di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có sự hiện diện số, hình thành bản đồ di sản số để người dân du lịch có thể thuận lợi truy cập trên môi trường số. Công nghệ thực tế ảo cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ.
Vừa qua, Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL đã được khai trương vận hành. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ VHTTDL một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Hệ thống được triển khai cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh, Thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.
Hà Trang
Bình luận