Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 03:11
Thứ năm, 23/05/2024 07:05
TMO - Hiện các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút 405 dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có 326 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Với lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, nguồn nhân lực và các chính sách thu hút đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN/CCN). Hiện, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển KCN đến năm 2030 là 19 KCN. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê, đăng ký thuê là 893,47 ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 52%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Giai đoạn 2015-2020, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 70% tổng giá trị sản xuất của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 - 2022 đạt 8,8%/năm (trong nhóm 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước). Năm 2023, ngành công nghiệp của tỉnh gặp khó khăn, nhất là sản xuất ô tô, xe máy giảm sâu. Nhận định rõ tình hình, ngay từ đầu năm, tỉnh đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cải cách hành chính; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp; hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; bình ổn giá, đảm bảo các chuỗi cung ứng…
Đặc biệt, tỉnh tổ chức xúc tiến đầu tư thành công với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; ký Biên bản ghi nhớ tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Vĩnh Phúc và tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc); tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, Hội nghị giao lưu kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng từ các nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh.
Vĩnh Phúc khai thác lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, nguồn nhân lực để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn.
Nhờ đó, thu hút đầu tư của tỉnh tăng, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại. Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực đều tăng. Cụ thể: Ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 13,49% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 7,84%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 3,96%. Tuy nhiên, chỉ số ngành sản xuất ô tô giảm 20,23% và xe máy giảm 4,64%.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến ngày 15/5, tại các KCN trên địa bàn đang có 405 dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó, có 326 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 82,32% tổng số dự án đầu tư. 5 tháng đầu năm 2024, vốn thực hiện của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 190 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52% so với kế hoạch năm 2024. Lũy kế đến nay, tổng vốn thực hiện của các dự án FDI đạt hơn 4 tỷ USD, đạt 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án.
Theo Quy hoạch Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt: Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển - một trong những trung tâm công nghiệp của vùng và cả nước gắn với phát triển bền vững; khai thác hiệu quả vị trí, tiềm năng và lợi thế, nâng cao chất lượng tăng trưởng ngành công nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 13,5-14%/năm; năng suất lao động tăng bình quân 8,3%/năm; tỷ trọng kinh tế công nghiệp tiếp tục được nâng cao. Phấn đấu đến năm 2030, GRDP ngành công nghiệp đạt 120 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% GRDP toàn tỉnh.
Với mục tiêu "Lấy phát triển công nghiệp làm trụ cột nền kinh tế”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030, làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Phúc tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực lợi thế như công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô-tô, xe máy, điện tử; công nghệ cao…
Chú trọng thu hút nguồn vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia; các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), hướng tới các đối tác tiềm năng đến từ châu Âu (Đức, Italy, Thụy Điển) và Hoa Kỳ. Tỉnh phấn đấu thu hút mỗi năm thêm 20-25 dự án FDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 300-350 triệu USD; 10-12 dự án DDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 500-700 tỷ đồng/năm.
Vĩnh Phúc tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường...
Dự kiến năm 2024 tỉnh có thêm 3 KCN đi vào hoạt động gồm KCN Tam Dương I - khu vực 2, quy mô 156,76 ha; KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa - khu vực 2, giai đoạn 1, quy mô 145,27ha; KCN Sông Lô II, quy mô 165,65ha. Đây là cơ hội tốt để tỉnh thu hút các dự án sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, có lợi thế nhằm gia tăng giá trị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Để tạo lợi thế trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc cũng tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển khu công nghiệp theo quy hoạch và kế hoạch, giám sát chủ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình quan trọng, thiết yếu như: Nhà máy xử lý nước thải; đường giao thông; hệ thống chiếu sáng; cây xanh…, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, để thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.
Trong năm 2024, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút khoảng 8-10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 700-1.000 tỷ đồng; thu hút khoảng 20-25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 350 triệu USD. Cùng với đó, có thêm khoảng 20-25 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 300-350 triệu USD; vốn thực hiện của các dự án DDI đạt khoảng 1.200-1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các khu công nghiệp: Chấn Hưng; Lập Thạch I và Lập Thạch II; triển khai khởi công xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp: Sông Lô I; Phúc Yên và Đồng Sóc.
Để đạt được hiệu quả các chỉ tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các khu công nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, tính chất ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp và định hướng, chủ trương của tỉnh, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện môi trường, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, sử dụng lao động chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; trong đó tập trung thu hút FDI vào các ngành và sản phẩm công nghiệp có lợi thế của địa phương như: Công nghiệp điện tử viễn thông; công nghiệp công nghệ số (gồm công nghiệp phần mềm; trí tuệ nhân tạo; các ngành công nghiệp mới, sản xuất chip, bán dẫn sử dụng công nghệ mới...); công nghiệp ô tô; công nghiệp hỗ trợ; phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, sản xuất vật liệu mới; đầu tư phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Tăng cường công tác nắm tình hình, xu hướng đầu tư trên thế giới và trong khu vực, dự báo sát thực tiễn để có các giải pháp phù hợp, linh hoạt, kịp thời trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thẩm định, cấp phép đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đức Thắng
Bình luận