Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ tư, 05/06/2024 14:06
TMO - Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines dẫn số liệu từ Cục Thực vật - Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, 5 tháng đầu năm, nhập khẩu gạo của Philippines đạt gần 2 triệu tấn, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn trong năm nay. Theo thông tin của một số doanh nghiệp, thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo Đt8 và 5451 của Việt Nam do chất lượng cơm dẻo, mềm, có hương vị đặc biệt và giá thành phù hợp. Hiện, gạo Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam Philippines.
Sự tăng trưởng ấn tượng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Trong đó, chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện đáng kể thông qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất nghiêm ngặt: hệ thống sấy khô, xay xát hiện đại, và đóng gói tự động không chỉ cải thiện chất lượng mà còn tăng cường tính đồng nhất và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, gạo Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế, trong đó có Philippines.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines.
Hơn nữa, gạo Việt Nam có giá cả cạnh tranh nhờ chi phí sản xuất hợp lý, giúp sản phẩm của nước ta chiếm ưu thế trên thị trường thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn như Philippines. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm việc giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, góp phần không nhỏ vào việc tăng sản lượng xuất khẩu gạo. Ngoài ra, gạo Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)... trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
Trong những tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo, để hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philipines khuyến nghị, Philippines trong những năm gần đây luôn là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam, vì vậy Thương vụ kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước, bên cạnh tranh thủ những cơ hội mới ở những thị trường mới, cũng vẫn cần phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số một xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Philipines khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.
Ngoài ra, đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của các loại gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.
Việt Nam cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu sang thị trường này.
Gạo của Việt Nam chiếm trên 80% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022. Bộ Công Thương đánh giá, với khoảng cách địa lý gần, tương đồng về văn hóa tiêu dùng, Philippines là thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đây là thị trường có quy mô dân số lớn, tính đến năm 2023 đạt khoảng 113 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 7 châu Á, thứ hai trong Asean. GDP hàng năm của Philippines đạt khoảng 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD. Thị trường Philippines không đòi hỏi quá cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa, dịch vụ lớn nhưng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu.
Hiện có tổng số khoảng 35 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines, như: nông sản, thủy hải sản, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị... Trong đó, mặt nông sản, đặc biệt gạo, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines. Trong thời gian tới, Việt Nam xác định Philippines sẽ vẫn là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục củng cố và giữ vững vị thế số 1 về xuất khẩu gạo Việt Nam tại thị trường Philippines.
Philippines là quốc gia sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất lúa gạo, tuy nhiên, trong nhiều năm qua sản xuất trong nước luôn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ. Hàng năm, tùy thuộc vào các điều kiện canh tác, sản xuất nội địa của Philippines đạt khoảng từ 19 đến 20 triệu tấn thóc, tương đương khoảng trên 12,5 triệu tấn gạo.Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm khoảng trên 14,5 triệu tấn và dự trữ tối thiểu đảm bảo lương thực đủ cho 30 ngày khoảng là trên 01 triệu tấn, tức là tổng nhu cầu hàng năm khoảng trên 15,5 triệu tấn gạo. Vì vậy, hàng năm Philippines phải nhập từ trên 2,5 triệu đến 3,5 triệu tấn gạo.
Bên cạnh đó, mở rộng cơ cấu mặt hàng và gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu. Với thị trường có nhiều tiềm năng như Philippines nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn chưa cân xứng. Số lượng các mặt hàng, ngành hàng xuất khẩu còn hạn chế, chỉ khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng, trong khi còn rất nhiều các mặt hàng, ngành hàng của Việt Nam có tiềm năng khai thác tại thị trường Philippines.
Nguyễn Thanh
Bình luận