Hotline: 0941068156
Thứ ba, 28/01/2025 09:01
Thứ bảy, 06/05/2023 17:05
TMO - Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ: “Tình yêu và niềm say mê cảm hứng với cảnh quan, môi trường thiên nhiên với cỏ cây hoa lá, với chim muông ở bất cứ trận địa nào, nơi tôi đặt chân tới trong suốt chiều dài những năm đánh giặc đã làm cho tâm hồn tôi thanh thản hơn, trong trẻo hơn và cũng lạc quan hơn trước sự khốc liệt và nghiệt ngã của cuộc chiến tranh tàn khốc...".
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ngày 27/7/1947 trong một gia đình nông dân, có truyền thống văn hóa, yêu nước tại xã Hải Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Quê hương ông có cảnh quan, môi trường thiên nhiên tươi đẹp, có cánh đồng lúa xanh thẳng cánh cò bay, có con sông Sẻ hiền hòa, có biển xanh quanh năm sóng vỗ rì rầm, có con đê chắn sóng, những cánh rừng ngập mặn.... Ông là một sĩ quan cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, hàm Thượng tướng. Ông nguyên là Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (1998-2011), nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1995-1998); là Ủy viên Ban Chấp hành TW Đảng khóa VIII, IX, X...
Năm 17 tuổi, Nguyễn Huy Hiệu viết đơn tình nguyện nhập ngũ, năm 18 tuổi nhập ngũ lên đường vào miền Nam chiến đấu từ năm 1965-1975, lần lượt trải qua các chức vụ Tiểu đội trưởng, rồi các cấp sĩ quan, rồi được phong quân hàm Thiếu tướng, Trung tướng, và Thượng tướng. Năm 1973, ở tuổi 26 Nguyễn Huy Hiệu được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, là Trung đoàn phó Trung đoàn 27 Triệu Hải Anh hùng.
Từ năm 1976- 1978, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được cử đi học văn hóa, ngoại ngữ tiếng Nga tại Lạng Sơn và từ năm 1978-1980 học ở Học viện cao cấp khóa đầu tiên (nay là Học viện Quốc phòng) được bổ nhiệm về làm Sư trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Sau đó, năm 1983, ông được cử sang Liên Xô đào tạo tại Học viện Quân sự M.V. Frunze. Thời gian học ở nước bạn, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu được tận mắt nhìn thấy những công trình kiến trúc, giao thông, tượng đài và cảnh quan môi trường thiên nhiên đặc hữu của nước Nga giàu đẹp.
Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu - Vị tướng nặng lòng, trách nhiệm với thiên nhiên môi trường.
Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đến thăm và làm việc tại 67 quốc gia trên thế giới. Những chuyến đi ngoại giao đó, ông không chỉ đấu tranh đòi lại công lý cho những đồng đội hy sinh, những người dân vô tội bị ảnh hưởng của chiến tranh nhất là nạn nhân bị nhiễm chất động da cam do đế quốc Mỹ giải xuống, mà ông còn quan sát, tìm hiểu cảnh quan, môi trường thiên nhiên cũng như giải pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên của các nước.
Trong một chuyến đi đến Ấn Độ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tìm hiểu về cuộc “Cách mạng Xanh” và những giống cây lai. Qua tìm hiểu, ông biết với những cố gắng cải cách không ngừng mà đặc biệt là cuộc “Cách mạng Xanh” đến nay nền nông nghiệp Ấn Độ đã đạt được những thành tựu to lớn, vươn lên mạnh mẽ và được đánh giá là một “hiện tượng” của thế giới. Ấn Độ đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động nghiên cứu các giống cây trồng cho năng suất chất lượng cao, bên cạnh sự hỗ trợ của các trang thiết bị máy móc hiện đại mà đặc biệt là của công nghệ thông tin đã mang lại kết quả đáng ghi nhận cho nền nông nghiệp nước này.
Chuyến đi đó, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đem cây đa từ Ấn Độ về trồng trên mảnh đất Quảng Trị. Ông muốn truyền cảm hứng đến người dân biết trân trọng cây xanh, tích cực tham gia trồng cây phủ xanh đất nước và thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
Tháng 8/2021 tại diễn đàn trực tuyến về an ninh môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh: An ninh môi trường là thành tố quan trọng của an ninh quốc gia, một phạm trù thuộc lĩnh vực an ninh phi truyền thống. An ninh môi trường là trạng thái hệ thống các yếu tố cấu thành môi trường cân bằng để đảm bảo điều kiện sống và phát triển của con người cũng như các loài sinh vật trong hệ thống đó.
Một hệ thống môi trường bị mất an ninh có thể do các nguyên nhận tự nhiên (thiên tai) hoặc do hoạt động của con người (khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chất thải độc vào môi trường gây ô nhiễm, suy thoái môi trường...) hoặc phối hợp tác động của hai nguyên nhân đó. Trong hai nguyên nhân làm mất an ninh môi trường nêu trên thì nguyên nhân tác động tiêu cực của con người lên môi trường thiên nhiên là chính. Dưới góc độ triết học, việc giải quyết vấn đề an ninh môi trường là bảo vệ môi trường sống, môi trường tồn tại của con người và xã hội. An ninh môi trường không được đảm bảo thì xã hội không phát triển được sản xuất vật chất, không có được đời sống tinh thần bình yên, sẽ không có được sự tồn tại và phát triển bền vững.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết, biểu hiện của môi trường bị mất an ninh là khai thác cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên xảy ra, môi trường thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ozone, đa dạng sinh học... Vì vậy, nếu không giữ được an ninh môi trường thì những thảm họa môi trường sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn chính trị, trở thành ngòi nổ cho các bất ổn xã hội, các cuộc xung đột và gây ra chiến tranh. Theo Thượng tướng, ở Việt Nam bảo đảm an ninh môi trường được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, của các giai cấp và các tầng lớp xã hội, của thế hệ hiện tại và tương lai.
Cũng tại diễn đàn trên, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đề cập đến phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai. Ông cho biết, phương châm “4 tại chỗ” do mình tổng kết từ lý luận và thực tiễn trong thời gian ông giữ trọng trách là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Phòng chống Lụt bão Trung ương và sau đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Thượng tướng chỉ ra rằng: phương châm “4 tại chỗ” là giải pháp quan trọng, có hiệu quả cao trong phòng chống thiên tai ở Việt Nam, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Phương châm bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện vật tư tại chỗ và Hậu cần tại chỗ. Để thực hiện hiệu quả phương châm này thì các cấp, ngành, các hộ gia đình và nhân dân... cần chuẩn bị các phương án cụ thể và chi tiết sát với loại hình thiên tai sẽ xảy ra để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời. Để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” một cách hiệu quả, trước hết cần truyền thông làm sao cho người dân có hiểu biết về tính ưu việt của phương châm và truyền thông và vận động để mọi người dân tích cực tham gia thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.
Theo đánh giá của TS Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là người có duyên nợ và trách nhiệm với môi trường thiên nhiên. Suy nghĩ này dựa trên câu chuyện mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ: “Một lần đi chiến đấu trong rừng, sau những loạt bom pháo, từng giò phong lan rừng bị pháp phạt ngang rụng xuống trận địa bời bời. Có cả những tổ chim non cũng rớt xuống ngực chiến sĩ. Bao giờ cũng vậy, tôi cố gắng mang những tổ chim non và những giò hoa phong lan rừng về hầm chỉ huy. Tôi luôn nhắc đồng đội mang hoa phong lan rừng về treo trước cửa hầm để làm bớt không khí chết chóc, bom đạn nơi chiến trường. Những chú chim non được tôi chăm sóc, đủ lông cánh lại bay về rừng. Còn những giò phong lan rừng lại rực rỡ khoe sắc, mỗi lần chôn đồng đội của mình vừa ngã xuống, tôi bao giờ cũng cố gắng ngắt một nhành phong lan đặt lên nấm mộ của đồng đội còn tươi rói đất nâu như một lời cầu nguyện an lành..”
Tình yêu và niềm say mê cảm hứng với cảnh quan, môi trường thiên nhiên với cỏ cây hoa lá, với chim muông đã giúp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tự tin, dũng cảm hơn và mưu lược hơn trước kẻ thù. Phải sống để trở về, để bảo tồn thiên nhiên, để yêu cái đẹp thanh bình của quê hương, đất nước là khát vọng mãnh liệt trong trái tim của người chỉ huy trẻ tuổi, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy nơi chiến trường...”.
NL (ghi)
Bình luận