Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Chủ nhật, 11/09/2022 21:09
TMO - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo vận hành an toàn các công trình thủy lợi, thời gian qua tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh ứng dụng triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ, tích hợp cơ sở dữ liệu vào quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi, nâng cao hiệu quả trong điều tiết nước, đảm bảo an toàn hồ chứa, hỗ trợ dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có gần 2.700 công trình thủy lợi, trong đó có 110 hồ chứa đang khai thác phục vụ sản xuất, đảm bảo nước tưới tiêu cho trên 30.000 ha cây trồng và nuôi thủy sản, tiêu thoát lũ khu vực nông thôn, đô thị.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 công trình hồ chứa nước bao gồm, hồ chứa nước bản Mòng (thành phố Sơn La), hồ Tiền Phong và hồ Chiềng Dong (huyện Mai Sơn) đã được trang bị hệ thống camera giám sát và trạm đo mưa tự động; xây dựng kho dữ liệu có đầy đủ các thông tin để đánh giá, kiểm soát nguồn nước, tình hình công trình; hỗ trợ điều hành ứng phó và giảm thiểu đến mức thấp nhất về thiệt hại, rủi ro thiên tai gây ra.
Trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt 35 trạm đo mưa tự động; 2 trạm đo mực nước trên lưu vực suối Nậm La (Thành phố) và suối Muổi (Thuận Châu); 2 trạm quan trắc khí tượng tự động phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Từ các thiết bị này, tất cả hình ảnh, dữ liệu tổng quan công trình, cao trình mặt nước, mực nước trong hồ chứa và việc đóng mở các cửa tràn... được cập nhật liên tục và truyền về Trung tâm Công nghệ phần mềm Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để nắm bắt kịp thời, chỉ đạo chính xác.
Tỉnh Sơn La tăng cường chỉ đạo các đơn vị ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành các công trình thủy lợi. Ảnh: EVN
Thời gian qua, nhà máy Thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành. Công trình thủy điện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phòng chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, giao thông thủy, phát điện cho hệ thống và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Trong những năm qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành được nhà máy thủy điện chú trọng triển khai qua việc thí điểm Trung tâm Kiểm soát an toàn công trình trên bậc thang thủy điện sông Đà.
Trung tâm đảm nhận nhiệm vụ quản lý tập trung thông tin kiểm soát an toàn cho các công trình trên cơ sở kết nối tín hiệu các thiết bị quan trắc giám sát công trình; thu thập, phân tích đánh giá và xử lý số liệu chuyên nghiệp, đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Qua đó giúp Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai ra quyết định vận hành hồ chứa trong mùa lũ một cách linh hoạt, phù hợp với dự báo khí tượng thủy văn theo thời gian thực; đem lại lợi ích tổng hợp cao hơn cho hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Đà, góp phần đáng kể cho hệ thống điện quốc gia và cung cấp nước cho hạ du vào mùa khô.
Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi, góp phần phát huy và nâng cao năng lực cấp nước, cơ bản đảm bảo nước tưới cho phần lớn diện tích sản xuất vụ đông xuân và nước sinh hoạt cho nhân dân, thiết lập mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn ở các lưu vực sông, suối, hồ chứa nước lớn, đảm bảo cung cấp kịp thời thông tin tham mưu phục vụ lãnh đạo các cấp chỉ đạo điều hành.
Giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với tỉnh xây dựng bản đồ số quản lý vận hành công trình thủy lợi, giúp nâng cao năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ chứa, giúp dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.
Yến Nguyễn
Bình luận