Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ năm, 22/08/2024 08:08
TMO - Các thành tựu của chuyển đổi số, số hoá di sản giúp việc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hoá phát huy được hiệu quả. Đây cũng là giải pháp tối ưu mà tỉnh Quảng Trị hướng tới trong việc bảo vệ di tích văn hoá lịch sử của địa phương, giữa bối cảnh công nghệ 4.0 bùng nổ như hiện nay.
Với một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, việc ứng dụng công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng để tỉnh Quảng Trị lưu trữ dữ liệu, quản lý và bảo tồn di sản. Cũng từ quá trình này, đã và đang hình thành nên loại hình di sản số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Áp dụng công nghệ số đã hiện thực hoá và tái lập các di sản, hiện vật, đem lại sức sống mới cho hiện vật và di sản, từ đó thu hút sự quan tâm của du khách nhiều hơn. Qua thống kê của ngành Văn hoá, tỉnh Quảng Trị đang có đến 562 di sản văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể. Trong số đó, đáng chú ý nhất vẫn là 4 cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp quốc gia và 10 bảo vật quốc gia.
Với những điều kiện thuận lợi cùng hệ thống di tích, hiện vật đồ sồ, tỉnh Quảng Trị xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và cần tích cực đổi mới trong thời đại công nghệ số. Hiện nay, nhiều nghiên cứu về chuyển đổi số đã được ứng dụng tại các di tích, di sản ở Quảng Trị. Đó là, ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị; xây dựng hệ thống thông tin di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị bằng công nghệ GIS, 3D; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị...
Thông tin từ Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong ngành Du lịch tại địa phương, các cơ sở dữ liệu cần phải có như cơ sở dữ liệu không gian (bản đồ), phi không gian (các tài liệu, sử liệu nghiên cứu về di tích; tư liệu ảnh, phim tài liệu kể cả một số tư liệu số với mô hình 3D) được thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật hiện đại như GPS, thiết bị Go Pro, UAV; sử dụng phần mềm ArcGIS Desktop để xây dựng và cập nhật dữ liệu không gian được định dạng chuẩn theo hệ tọa độ quốc gia VN2000, UTM và xây dựng các bản đồ trực tuyến.
Giao diện nội dung giới thiệu cụm di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
Qua đó, quá trình chuyển đổi số trong di sản văn hóa ở Quảng Trị với việc ứng dụng công nghệ 3D Laser Scanning có tính năng hiện đại trong quét, xử lý hình ảnh… nhằm tạo ra tour du lịch ảo trên nền tảng công nghệ không gian 3D số hóa hiện đại. Vì vậy, khi áp dụng thực tế vào du lịch sẽ giúp du khách có những trải nghiệm sinh động hơn khi tham quan, trải nhiệm các điểm đến ở Quảng Trị.
Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng đã xây dựng hệ thống các bản đồ trực tuyến, tạo nguồn dữ liệu hỗ trợ áp dụng công nghệ khi tìm kiếm tra cứu giới thiệu thông tin các điểm du lịch. Cùng với đó, việc xây dựng ứng dụng di động (App Mobile) "Di sản văn hóa Quảng Trị" sử dụng trên các thiết bị Smartphone đã tích hợp Ngân hàng số di sản văn hóa Quảng Trị cùng các công cụ hỗ trợ (tìm đường, tham quan, VR, hình ảnh/video 3D…) giúp cho người sử dụng có thể truy cập vào các ứng dụng một cách nhanh chóng.
Để thuận lợi hơn cho du khách khi đến du lịch, thăm quan tỉnh Quảng Trị, ứng dụng di động Di sản văn hóa Quảng Trị đã được đưa lên kho ứng dụng Google Play. Người dùng có thể tìm kiếm hoặc quét mã QR để tải về thiết bị di động.
Lắp đặt mã quét QR-Code tại Di tích lịch sử cấp tỉnh Địa điểm Phường Sắn, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - Ảnh: ĐV.
Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng khác như sử dụng mã QR Code trong cung cấp thông tin, tăng cường các tính năng của thực tế ảo (VR-360) để đảm bảo tính trực quan, sinh động tại các điểm đến du lịch. Được biết, Quảng Trị đang từng bước hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu di sản văn hóa Quảng Trị, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống bằng tiếng Anh phục vụ du khách nước ngoài, phát triển ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị trên hệ điều hành IOS và tiến đến áp dụng trên nền tảng Web 3.0.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước đạt 1.433.000 lượt (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó khách quốc tế ước đạt 110.000 lượt; doanh thu từ du lịch ước đạt 1.062 tỷ đồng. Để khai thác tốt hơn nữa những giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong giai đoạn tiếp theo cần có cách làm mới, độc đáo để thu hút du khách nhiều hơn, trong đó chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao là giải pháp tối ưu nhất để du lịch Quảng Trị bứt phá.
Do đó, tại Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Đề án chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số, tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” với các mục tiêu và nhiệm vụ chính như xây dựng Cổng thông tin du lịch tỉnh Quảng Trị. Xây dựng hệ thống dữ liệu ảnh và video du lịch Quảng Trị bao gồm, sử dụng công nghệ ảnh 360 có khả năng tái hiện lại toàn bộ không gian và kiến trúc bất kỳ trong một bức ảnh và công nghệ video 360 tái hiện toàn bộ hình ảnh, âm thanh, trong một không gian với góc nhìn 360 độ; 100% công tác quản lý liên quan đến du lịch (các cơ sở cung cấp dịch vụ cho du lịch, hướng dẫn viên, công ty khai thác du lịch...) được điện tử hóa, số hóa…
Ngành du lịch Quảng Trị đã có những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Để khai thác tốt hơn nữa những gia trị di tích lịch sử, văn hóa cần có cách làm mới, độc đáo để thu hút du khách ngày càng nhiều, và chuyển đổi số là điều tất yếu để Quảng Trị bảo tồn giá trị di sản và tạo sự bứt phá trong hoạt động du lịch
Dương Bích
Bình luận