Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ sáu, 18/10/2024 13:10
TMO - Trong bối cảnh bùng nổ của khoa học, kỹ thuật số, tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường áp dụng những công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Công nghệ sinh học là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện, nghiên cứu các giống cây trồng mới nhằm đảm bảo an toàn, an ninh lương thực.
Đồng Tháp một trong những địa phương đi đầu ở ĐBSCL trong tái cơ cấu nông nghiệp. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn. Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ sinh học giúp cải thiện chất lượng cây, con giống, đổi mới công nghệ nuôi, quản lý hiệu quả bệnh trên đàn vật nuôi; công tác chọn tạo và nhân giống một số giống cây trồng mới đạt hiệu quả, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo chia sẻ của một số người dân đã thành công trong việc nuôi cấy mô trên cây giống ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), ngoài các yếu tố như điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc… thì cây giống tốt đóng vai trò quyết định đối với chất lượng nông sản. Tuy nhiên, trải qua quá trình nhân giống nhiều lần, cây có thể bị thoái hóa, mất đi những đặc tính ban đầu. Chính vì vậy, nuôi cấy mô là giải pháp giúp nhân nhanh số lượng lớn giống cây trồng, đảm bảo cây sạch bệnh, giữ được tính trạng tốt của cây bố mẹ.
Tại vùng ĐBSCL, việc cải tiến giống cây trồng thông qua ứng dụng công nghệ sinh học đã cho ra đời nhiều giống cây được phát triển với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trên bình diện chung, Lãnh đạo phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, phát triển công nghệ sinh học là xu thế tất yếu; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Công nghệ sinh học thực vật, đặc biệt là công nghệ chỉnh sửa gen trên cây trồng đã cho ra đời nhiều sản phẩm cây trồng có các tính trạng nổi bật như chịu hạn, tăng hàm lượng dinh dưỡng, chống chịu sâu bệnh…Ứng dụng công nghệ sinh học được coi là con đường đưa nông sản Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Theo chia sẻ của Lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học, Viện đã tiếp cận với công nghệ chỉnh sửa gen, đến nay đã có những thành công trên một số đối tượng khác nhau. Có những thành công trên đối tượng thực vật, động vật và vi sinh vật. Ở lĩnh vực động vật và vi sinh vật mới có một số kết quả bước đầu. Còn ở lĩnh vực thực vật đã có khá nhiều thành công trên cả lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và cải tạo giống cây trồng. Viện đã ứng dụng thành công công nghệ này để nghiên cứu chức năng của nhiều gen trên các đối tượng cây trồng quan trọng ở Việt Nam. Đồng thời nghiên cứu hệ thống nhằm đánh giá nhanh hoạt động của cấu trúc chỉnh sửa gen cho cây trồng.
Ứng dụng công nghệ sinh học là cơ sở để tạo, nhân giống những loài động/ thực vật cho năng suất, chất lượng cao hơn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. (Ảnh minh hoạ: BLC).
Đối với nước ta, ở những khu vực có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, những năm qua, công nghệ sinh học cũng đã được ứng dụng hiệu quả vào việc bảo quản nông sản sau thu hoạch, giảm thiểu tổn thất và gia tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ vi sinh đã được triển khai rộng rãi, giúp cải thiện chất lượng đất và giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học, từ đó nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác. Sau cây lúa, ngô là cây lương thực có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu sản xuất trồng trọt.
Trước đó vào tháng 4 năm 2015, giống ngô chuyển gene lần đầu tiên được đưa đến tay bà con nông dân, đánh dấu năm đầu canh tác giống ngô này, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp quyết định công nhận đặc cách giống cây trồng chuyển gene đầu tiên tại Việt Nam. Thành quả sau 10 năm canh tác ngô chuyển gene cho thấy vai trò và khả năng dẫn dắt của công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Lũy kế diện tích canh tác ngô chuyển gene kể từ năm 2015 tới năm 2022 là hơn 700.000ha.
Lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trên thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dân số tăng, nhu cầu an ninh lương thực cần đảm bảo, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Như vậy, vấn đề đặt ra cho sản xuất nông nghiệp trong kỷ nguyên mới cần thiết phải điều chỉnh áp dụng công nghệ tạo ra những giống mới để tạo ra sản phẩm đem lại hiệu quả sản xuất tốt hơn cho người dân, đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực.
Tuy nhiên vấn đề hành lang pháp lý cần có sự rõ ràng. Phải có hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động phát triển sản phẩm công nghệ sinh học. Cơ chế đầu tư cho các phòng nghiên cứu công nghệ sinh học trọng điểm đển có thể tập trung nghiên cứu. Nguồn nhân lực cũng cần phải đào tạo để bắt kịp với thế giới. Về ngắn hạn, cần những quỹ hỗ trợ nhà khoa học trong hợp tác nghiên cứu, đặc biệt là hợp tác với quốc tế để có thể tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật hiện đại.
Những thành tựu công nghệ sinh học đã ứng dụng vào nông nghiệp không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác. Trong tương lai, công nghệ sinh học sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung đối phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Cùng với sự thay đổi của công nghệ, sự kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ số, AI cho phép nâng cao hiệu quả nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học. Để không tụt hậu, cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này.
Nguyễn Nhàn
Bình luận