Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/04/2025 23:04
Thứ hai, 14/04/2025 06:04
TMO - Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn và cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Những mô hình xử lý rác thải theo hướng hiện đại, công nghệ cao không chỉ giảm thiểu lượng rác tồn đọng mà còn góp phần xây dựng cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp, hướng tới phát triển bền vững. Hiện nay, huyện Tuần Giáo đang thực hiện thu gom, xử lý rác thải theo hình thức xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý rác thải Tuần Giáo đối với 8/18 xã, thị trấn với khối lượng khoảng trên 20 tấn/ngày.
Trong đó, thị trấn Tuần Giáo trung bình khoảng 6,6 tấn/ngày. Còn lại các xã khu vực vùng sâu, vùng xa người dân thực hiện xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp, hoặc đốt thủ công. Nhà máy xử lý rác thải huyện Tuần Giáo (trực thuộc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên), được hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 4/2024, với công suất xử lý hiện tại hơn 60 tấn/ngày, đêm.
Nhà máy sử dụng Công nghệ lò đốt Rs - Vinabima 2000, đây là công nghệ hiện đại nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nhà máy đưa vào vận hành đã thay thế hoàn toàn việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp trước kia, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. Lò đốt sử dụng công nghệ tự cháy để đốt, không phụ thuộc vào nguồn năng lượng khác, hạn chế khí thải thoát ra môi trường.
Rác được phân loại sơ bộ tại nhà xưởng, sau đó ủ khoảng 1 tuần rồi đưa vào đốt theo quy trình tự động, tuần hoàn, không xả nước thải ra môi trường, vì vậy không gây ô nhiễm nguồn nước khu vực xung quanh. Tận dụng nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình vận hành lò đốt, Nhà máy xây dựng lò sấy nông sản như: cà phê, mắc ca, sắn. Đại diện Nhà máy xử lý rác thải huyện Tuần Giáo cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy đã xử lý hơn 2.000 tấn rác thải sinh hoạt rắn trên địa bàn huyện.
Hiện nay, Nhà máy không chỉ xử lý rác sinh hoạt của huyện Tuần Giáo mà còn xử lý rác của các huyện lân cận như: Tủa Chùa, Mường Ảng. Trung bình mỗi ngày nhà máy xử lý gần 50 tấn rác thải sinh hoạt của 3 huyện.
Tận dụng nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình vận hành lò đốt, Nhà máy xây dựng lò sấy gỗ xuất khẩu. Với công nghệ hiện đại, tận dụng nguồn nhiệt sinh ra trong quá trình vận hành lò đốt, Nhà máy xây dựng 2 dây chuyền gồm: Lò sấy gỗ để phục vụ xuất khẩu và làm các đồ nội thất, sinh hoạt; lò sấy nông sản (sắn, cà phê, mắc ca).
Trong năm đầu tiên (năm 2024), Nhà máy đã sấy được 24 tấn sắn, 50 tấn cà phê và hàng trăm khối gỗ xuất khẩu. Nhà máy xử lý rác thải huyện Tuần Giáo đi vào hoạt động đã góp phần làm cho môi trường đô thị thêm xanh, sạch, đẹp. Nâng tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn đạt trên 96%.
Đồng thời, tạo công việc ổn định cho gần 30 lao động trong lĩnh vực môi trường (11 công nhân làm việc tại Nhà máy, 18 công nhân thu gom) và hàng chục lao động thời vụ tại các lò sấy gỗ, sấy nông sản…
Người dân huyện Tuần Giáo tự ủ rác thải thành phân hữu cơ. (Ảnh: VH).
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải, chính quyền và các cấp ngành huyện Tuần Giáo còn tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong vấn đề phân loại rác thải từ nguồn. Đồng thời tăng cường vệ sinh môi trường, đường làng ngõ thôn, bản. Đơn cử, tại bản Cọ, xã Quài Nưa hiện nay đã không còn rác thải sinh hoạt được chất đống, xả bừa bãi tại khu vực ven đường, ven suối.
Thay vào đó là những tuyến đường thôn, bản khang trang sạch đẹp. Người dân nơi đây đã hình thành thói quen phân loại rác, để rác đúng nơi quy định, để công nhân vệ sinh đến thu gom. Những năm gần đây, được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, người dân đã biết phân biệt rác vô cơ, rác hữu cơ, rác tái chế, rác không tái chế và đổ tại nơi quy định của bản, để thu gom.
Việc phân loại rác vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời có thêm nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng từ việc ủ, xử lý rác thải hữu cơ hàng ngày. Tại xã Quài Nưa, việc tuyên tuyền vận động người dân phân loại rác, xử lý rác thải, đổ rác đúng nơi quy định được cấp ủy, chính quyền xã triển khai quyết liệt.
Người dân sẽ để các loại rác không tái chế, chất thải rắn đúng điểm thu gom theo quy định của xã. Còn chất thải hữu cơ khuyến khích người dân đào hố rác di động trong vườn, cách xa nơi ở trên 3m, sau đó rắc một lượt chế phẩm sinh học, phủ đất hoặc trấu, tro 1 lớp mỏng khoảng 2 - 5cm và đậy nắp để tránh ruồi, muỗi hoặc nước mưa. Khi rác đầy tiến hành lấp đất và tiếp tục đào hố khác. Sau khoảng 20 - 25 ngày người dân có thể sử dụng rác đã phân hủy làm phân bón cây trồng.
Nhằm tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh, tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 08/2024-QĐ-UBND ngày 9/4/2024 về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Tại Quyết định nhấn mạnh các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng tái tạo và sản phẩm, nguyên liệu, năng lượng sạch thân thiện với môi trường; từng bước phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng.
Khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải; việc đầu tư mới các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh theo hướng tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý thu hồi năng lượng; hạn chế và giảm dần tỉ lệ chôn lấp chất thải. Khuyến khích áp dụng các giải pháp chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số để thúc đẩy giảm thiểu phát sinh, tái sử dụng, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn…
Việc nâng cao ý thức phân loại chất thải sinh hoạt, thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên mang nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ đối với môi trường mà còn về mặt kinh tế – xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững tại địa phương.
Lan Hương
Bình luận