Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ sáu, 17/11/2023 07:11
TMO - Ngành chức năng tỉnh Kon Tum vừa áp dụng công nghệ định danh bằng cách gắn chip lên từng củ sâm để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Trong những năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay do những tính chất đặc biệt nổi trội và trồng ở vùng địa lý đặc thù. Ngoài thị trường cũng đang tràn lan các sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh rất cần những giải pháp có hiệu quả để ngăn chặn triệt để, bảo vệ giá trị thương hiệu của báu vật đại ngàn.
Công nghệ gắn chip định danh cho sâm Ngọc Linh được gắn cố định trên thân củ sâm, chứa thông tin sản phẩm bao gồm ADN, thông tin kiểm định hàm lượng của Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học - Công nghệ tỉnh Kon Tum, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, truy xuất thông tin sản phẩm bằng ứng dụng trên điện thoại, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum và quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp căn cơ, trong đó phải kể đến việc đầu tư mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị để phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả; phân tích hàm lượng saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác.
Tỉnh Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có gần 1.800ha sâm Ngọc Linh, theo Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030 phát triển 10.000ha sâm Ngọc Linh, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và là trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Cục Sở hữu trí tuệ, Kon Tum có vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” trải dài tại 9 xã của huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp - huyện Đăk Glei; Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây - huyện Tu Mơ Rông).
Giữa năm 2018, UBND tỉnh Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh. Tháng 7 năm 2020, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum. UBND tỉnh đã đề nghị và được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum vào tháng 5 năm 2021.
Cuối năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được UBND tỉnh phê duyệt Dự án Cải tạo, sửa chữa phòng thí nghiệm, kiểm định và mua sắm thiết bị tại Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu công nghệ sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học và phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo phát triển kinh tế -xã hội bền vững.
UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định chi nhiều tỷ đồng để đầu tư và đưa vào ứng dụng hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh, gồm: hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN (có 25 thiết bị chủ yếu) và hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh (với 11 thiết bị chủ yếu). Hiện nay, cả hai hệ thống này đã được bàn giao cho Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ quản lý, vận hành. Trung tâm cũng đã phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đào tạo 4 cán bộ về vận hành thiết bị, chuyển giao quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và hàm lượng saponin trong sâm Ngọc Linh. Trung tâm phối hợp với hai doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, được công nhận vườn sâm gốc để lấy mẫu sâm phân tích, xây dựng bộ chỉ thị chuẩn, làm cơ sở phân biệt với các loại sâm khác.
Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và quyền lợi của người trồng sâm và người tiêu dùng, Sở KH&CN Kon Tum cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ thông tin đến các tổ chức, cá nhân biết về việc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ đã được đầu tư hệ thống máy móc và làm chủ quy trình phân tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả; chỉ đạo Trung tâm phối hợp với các đơn vị, tổ chức được giao quản lý sâm Ngọc Linh cũng như các đơn vị, tổ chức trồng tiến hành phân tích kiểm định nhằm phát hiện sâm thật, sâm giả.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trường Đại học Khoa học tự nhiên hoàn thiện 2 quy trình công nghệ: Quy trình kỹ thuật kiểm định, tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh và Quy trình kỹ thuật phân tích saponin tổng, phân tích định tính, định lượng một số hoạt chất saponin đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh.
Đức Mạnh
Bình luận