Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ ba, 25/04/2023 13:04
TMO - Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh chia sẻ: “Trong rất nhiều tư tưởng nổi tiếng của Bác Hồ, tôi rất thích tư tưởng về trồng cây vì lợi ích bảo vệ môi trường thiên nhiên xanh tươi và “trồng người” vì lợi ích xây dựng môi trường xã hội bền vững mà Bác Hồ đã nói trong buổi gặp gỡ giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc ngày 13/9/1945”.
Trong cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về những công trình kiến trúc, cảnh quan môi trường thiên nhiên của nước Nga mà ai đã một lần đến nước Nga đều không thể quên được như: Màu vàng của lá cây rất đặc trưng, dấu ấn về mùa thu ở nước Nga. Màu vàng phủ tràn trên mặt đất, màu vàng vẽ nên nền trời, màu vàng in đậm dưới đáy nước và màu vàng rực rỡ trong những cung điện, bảo tàng, nhà thờ, nhà hát, tượng đài, trên những quả đồi...
Khi nói đến màu vàng ở nước Nga, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh trở nên trầm ngâm khác lạ. Trung tướng đã nói lên nỗi niềm của mình: “ Những năm ở quân ngũ, tôi đã hành quân qua dãy Trường Sơn. Đi qua những cánh rừng tự nhiên, tôi cảm nhận được nước mình giàu tài nguyên thiên nhiên, đúng như các cụ xưa đã tổng kết: “Rừng vàng, biển bạc”. Rừng của ta phong phú hơn rừng ở nước Nga rất nhiều. Thế mà, trong thời kỳ Chiến tranh, Mỹ đã giải chất độc Da cam/Dioxin hủy diệt cây rừng. Có lần tôi nhìn thấy những cánh rừng khô cháy vì chất độc Da cam/Dioxin. Hiện nay, có nhiều người nhiễm chất độc Da cam/Dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia. Hàng nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng trăm ngàn người và con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc Da cam”. Khi nhắc đến hậu quả của hiện tượng làm suy thoái và ô nhiễm môi trường, Trung tướng nhắc lại câu nói nổi tiếng của nhà thơ Gamzatov: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh đại bác”.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Tiến sĩ chuyên ngành Quân sự Nguyễn Phúc Thanh (25/6/1944) tại xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Năm 2007, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh thôi giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội và nghỉ theo chế độ. Tuy nghỉ hưu, nhưng ông vẫn nhiệt thành tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường thiên nhiên xanh tươi và công tác thiện nguyện.
Trong chuyến đi ra đảo Lý Sơn để làm lễ công nhận hai cây đa sộp trên 300 năm tuổi là Cây Di sản Việt Nam (12/8/2014), Trung tướng chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Việc làm này, không chỉ có ý nghĩa về môi trường sinh thái mà còn có ý nghĩa về nhân văn. Vì cây cũng như con người có đời sống. Con người sống trong xã hội, còn cây xanh sống trong môi trường thiên nhiên. Môi trường xã hội của con người và môi trường thiên nhiên của cây xanh có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Chúng ta bảo tồn cây xanh trên 100 năm tuổi có ý nghĩa thiết thực đối với phát triển bền vững môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội... Lần này chúng ta làm lễ vinh danh hai cây đa sộp trên đảo Lý Sơn là hay lắm. Hay là chúng ta đã cùng nhau bảo tồn cây cổ thụ, hay là chúng ta giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu thiên nhiên, kính trọng người cao tuổi, vinh danh cây cổ thụ, biểu tượng như “cột mốc” tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam...”.
Trung tướng nhắc đến việc huy động cộng đồng dân cư phát hiện, đề xuất công nhận Cây Di sản Việt Nam trên cả nước, trong đó có một số cây cổ thụ trên huyện đảo Trường Sa. Từ gợi ý của Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh quân chủng Hải Quân đã khảo sát, công nhận 4 cây cổ thụ: Cây phong ba (đảo Song Tử Tây), cây mù u (đảo Sơn Ca), cây bàng vuông (đảo Nam Yết), cây mù u (đảo Sinh Tồn) trên huyện đảo Trường Sa là Cây Di sản Việt Nam ngày 20/7/2021.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang người đứng thứ 6 từ trái sang phải cùng mọi người đứng dưới gốc cây Kơnia (Ảnh: Hồng Tươi).
Trong chuyến thăm khu rừng Mã Đà (ngay sau lễ công nhận Cây Di sản trên đảo Lý Sơn) thuộc Tiểu khu 379 xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, giữa những cây rừng khoảng trên 20 năm tuổi là một cụ cây cổ thụ, thân to, bạnh vè lớn, đứng sừng sững, cành lá xum xuê, tán rộng như chiếc ô xanh che chở cho hàng trăm cây dưới tán, đó là cây Kơ nia trên 200 năm tuổi, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh bảo mọi người nắm tay nhau tại thành một vòng xung quanh gốc cây Kơ nia huyền thoại.
Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh đứng dưới gốc cây Kơnia là Cây Di sản Việt Nam tại khu rừng 379 Mã Đà (Ảnh: Hồng Tươi).
Trong không khí này, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Phúc Thanh chia sẻ: "Hoan nghênh anh em cựu chiến binh đã buông tay súng, nhưng không buông nhiệm vụ cao cả. Vì bảo vệ rừng cũng như đánh giặc, là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các đồng chí xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ đã làm nhiệm vụ bảo vệ 512,75ha rừng. Khu rừng này không chỉ là lá phổi xanh mà còn là nơi ghi lại những địa danh lịch sử của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại...Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ rừng. Người đã từng căn dặn “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh đã trở về trong lòng Mẹ Thiên Nhiên (8/2/2019) nhưng tinh thần vì môi trường xanh tươi của ông vẫn còn ở lại với chúng ta, nụ cười rạng rỡ của ông và lời nói có sức truyền cảm hứng lan tỏa cho mỗi chúng lối sống xanh sẽ không bao giờ mất.
HP (ghi)
Bình luận