Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ tư, 13/12/2023 07:12
TMO - Tiềm năng phát triển du lịch, kinh tế trên sông Sài Gòn, con sông biểu tượng của TP.HCM rất lớn. Khai thác hiệu quả giá trị to lớn của các dòng sông, nhất là sông Sài Gòn để tạo dựng hệ sinh thái kinh tế ven sông bài bản cho TP.HCM.
Sông Sài Gòn có vị trí chiến lược trong mạng lưới giao thông TP.HCM. Dọc theo bờ sông Sài Gòn là những địa điểm quan trọng, trong đó có nhiều di tích lịch sử - văn hóa như Bến Nhà Rồng, Chợ Lớn, Cột cờ Thủ Ngữ, Bến Bình Đông đến những công trình hiện đại như cầu Ba Son, Công viên bến Bạch Đằng, tòa tháp Landmark… TP.HCM có lợi thế về một mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, tổng chiều dài 913 km. Thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường thủy.
Theo thống kê của Sở Du lịch thì có khoảng 135 tài nguyên phục vụ du lịch đường thủy. Thành phố có lợi thế 04 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua tạo ra mạng lưới đường thủy liên tuyến kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh vừa có thể khai thác giao thông vận tải đường thủy vừa có nhiều tiềm năng để phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa.
Hiện thành phố có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch trong tổng số 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Thành phố có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm: 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 cano, tàu gỗ nhỏ. Ngoài ra, khu vực trung tâm thành phố còn có 11 bến thuỷ nội địa phục vụ khách du lịch do Trung tâm Quản lý đường thủy - Sở Giao thông vận tải quản lý. Hầu hết các bến này đều cần đầu tư xây dựng, sửa chữa để đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch.
TP.HCM đang có gần 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 45 doanh nghiệp du lịch. Sản phẩm du lịch đường thuỷ ngày càng được đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thuỷ. Lượng khách du lịch bằng đường thuỷ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch thành phố. Năm 2018 đón được 845.400 lượt khách (805.400 lượt khách du lịch bằng đường sông, 40.400 lượt khách du lịch bằng đường biển), đến năm 2019 đón được 786.700 lượt khách (745.500 lượt khách du lịch bằng đường sông, 41.200 lượt khách du lịch bằng đường biển) và năm 2020 đón được 297.600 lượt khách (286.300 lượt khách du lịch bằng đường sông, 11.300 lượt khách du lịch bằng đường biển). Năm 2023 từng bước xúc tiến đẩy nhanh các sản phẩm để thu hút lại du lịch đường thủy.
Thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường thủy.
Với những lợi thế trên, Sở Du lịch thành phố hướng đến mục tiêu hoàn thiện các nhóm sản phẩm du lịch chủ lực. Cụ thể, nhóm thứ nhất là du lịch đường thủy, du lịch giải trí, hoạt động về đêm, du lịch sự kiện - lễ hội; nhóm thứ hai là nhóm sản phẩm chính tham quan di tích, văn hóa, du lịch MICE, ẩm thực, mua sắm; nhóm ba là sản phẩm bổ trợ, sinh thái, y tế, cộng đồng.
Thời gian tới, Sở Du lịch thành phố sẽ đưa thêm 3 tuyến du lịch mới vào là tuyến ngắn dưới 10km Bạch Đằng đi Thanh Đa kết hợp ẩm thực về đêm. Tuyến tầm trung khai thác tuyến đi Cần Giờ, Vàm Sát, Đầm Dơi, khu Thiềng Liềng, các doanh nghiệp đang khai thác du lịch sinh thái, cộng đồng rất phát triển; Bạch Đằng đi Củ Chi gắn với Bến Đình, địa đạo Củ Chi. Tuyến tầm xa kết nối về Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Campuchia có 5 doanh nghiệp đang khai thác. Đây được đánh giá 1 trong 10 tuyến giao thông đường thủy đặc sắc của thế giới. Sở cũng tổ chức nhiều đoàn tham quan được trải nghiệm bằng du thuyền ca-no để khám phá vẻ đẹp sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng đi về Phú Mỹ, Thanh Đa bằng tàu hạng sang.
Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, phát triển du lịch đường thủy sẽ gắn liền với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng chi tiêu, kéo dài lưu trú của du khách. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch đường thủy nhằm đảm bảo phát triển các sản phẩm chất lượng, bền vững. Đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông...
Để tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế ven sông cũng như ngành du thuyền, cần xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nối liền với các tỉnh lân cận.
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, việc khai thác tiềm năng du lịch dọc sông Sài Gòn hiện nay rất hạn chế, đặc biệt là phát triển du lịch, kinh tế ven sông, du thuyền...Trong đó, việc sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm, điều này có thể tác động tiêu cực đến du lịch. Đồng thời, việc chưa có quy hoạch đô thị toàn diện và hiệu quả cũng tạo ra những khó khăn khi phát triển hạ tầng, giao thông và các dự án quan trọng khác liên quan đến dòng sông.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, tour tuyến cho các sản phẩm du lịch đã có nhưng du khách tiếp cận với các sản phẩm này, bao gồm mua vé, còn nhiều bất tiện. Đơn cử, hành khách muốn mua được sản phẩm du lịch đường thủy phải đến bến tàu, nhưng đến rồi cũng chưa chắc mua được tour. Về hạ tầng, hiện quỹ đất và hành lang ven và trên kênh rạch phục vụ khai thác du lịch còn hạn chế, trong khi, hạ tầng như bến đón trả khách, các bến neo đậu tàu thuyền… thiếu và chưa đồng bộ.
Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, văn hóa, giao thông và kinh tế như sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại hàng tỷ USD mỗi năm nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông và quỹ đất ven sông. Thời gian tới, TP.HCM cần xây dựng các điểm đến, các tour du lịch di sản gắn liền với dòng sông vô giá này. Mặt khác, trong quá trình phát triển, ngoài việc phục vụ du khách, cần xây dựng các điểm mang tính đặc sản hai bên dòng sông để phát huy vai trò của mỗi người dân sinh sống dọc hai bên sông, từ đó mỗi người dân sẽ là một “sứ giả” làm du lịch. Để tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế ven sông cũng như ngành du thuyền, cần xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nối liền với các tỉnh lân cận. Đồng thời, phát triển bến du thuyền và các trung tâm dịch vụ ven sông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du thuyền.
Sở Du lịch kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu, xây dựng các khu vực nhà chờ, nhà vệ sinh… phục vụ khách. Ngành Du lịch cũng sẽ xây dựng đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch như tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy như hoạt động chèo Sup, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật, nhạc nước và kết hợp nhiều phương tiện, du thuyền…
Đức Thành
Bình luận