Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ tư, 25/10/2023 08:10
TMO - TP. HCM sẽ huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng công suất 7 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, đảm bảo đến năm 2030 đạt công suất xử lý 3,076 triệu m3/ngày.
Hiện nay, lượng nước thải đô thị phát sinh của TP.HCM khoảng 1,54 triệum3/ngày. Nguồn nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều tuyến kênh ở TP.HCM đã và đang được hồi sinh nhưng nước thải sinh hoạt vẫn chưa có nhà máy xử lý nên các dòng kênh chưa thể trong xanh bền vững.
Theo Sở Xây dựng, hiện TP.HCM có 3 nhà máy và 4 trạm xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế xử lý nước thải của thành phố là 644.200m3/ngày, khả năng xử lý đạt khoảng 40,8% theo nhu cầu. Trong đó, 3 nhà máy gồm: : Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, công suất xử lý 469.000m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất xử lý 30.000m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 1, công suất xử lý 131.000 m3/ngày.
Cùng với 4 trạm xử lý gồm: Trạm xử lý nước thải trong khu dân cư (phi tập trung), gồm: Trạm xử lý nước thải Tân Quy Đông (Quận 7), công suất 500m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), công suất xử lý 3.700m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 17,3ha, phường Bình Khánh (TP. Thủ Đức), công suất xử lý 3.000m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 38,4ha, phường Bình Khánh (TP. Thủ Đức), công suất xử lý 7.000 m3/ngày. Bên cạnh đó, TP.HCM đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000m3/ngày, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và nâng khả năng xử lý đạt khoảng 71,3% theo nhu cầu.
Trên địa bàn thành phố vẫn để xảy ra tình trạng nước thải chưa được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ xây dựng 11 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất hơn 2,9 triệu m3/ngày vào năm 2020 và nâng công suất lên gần 3,1 triệu m3/ngày vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất danh mục 7 dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với thứ tự ưu tiên: Xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây Thành phố (lưu vực Bình Tân, lưu vực Tây Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm); xây dựng hệ thống thu gom và nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2. Cùng với đó là xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Nam Sài Gòn; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Bắc Thành phố.
Trong đó, lớn nhất là dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư 10.360 tỷ đồng. Nhà máy dự kiến xây dựng trên khu đất 36ha ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), công suất 680.000m3/ngày sẽ thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của lưu vực Bình Tân, lưu vực Tây Sài Gòn, lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, góp phần cải thiện môi trường khu vực.
Kế đến là dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát giai đoạn 2 (250.000m3/ngày) ở phường An Phú Đông (Quận 12) tổng vốn gần 8.200 tỉ đồng. Dự án này sẽ giải quyết nước thải sinh hoạt các quận: Bình Thạnh, Gò Vấp và 12 với khoảng 1 triệu người được hưởng lợi. Các dự án còn lại như: Nam Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa và Tây Bắc góp phần hoàn thiện mạng lưới xử lý nước thải sinh hoạt trên toàn TPHCM.
TP.HCM sẽ huy động các nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng công suất 7 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị. Ảnh: VN.
Theo Sở Xây dựng, thời gian vừa qua, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch. Hiện nay, đã có một số nhà đầu tư quan tâm, được giao lập đề xuất dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thực hiện, trong đó, khó khăn lớn nhất trong việc thu hút đầu tư đối với việc kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị là chưa có đất xây dựng nhà máy. Hiện nay, ngoài nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bình Tân có mặt bằng để triển khai thực hiện, các nhà máy xử lý nước thải còn lại đều chưa có mặt bằng, khi xây dựng nhà máy phải thực hiện thu hồi đất theo quy định.
Do đó, để huy động các nguồn vốn cả trong và ngoài nước, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM giao Sở KH&ĐT tham mưu văn bản kiến nghị Bộ KH&ĐT bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 7 nhà máy này. Song song đó, Sở TN&MT phối hợp các sở ngành và 6 địa phương (TP.Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi) rà soát quỹ đất, cắm mốc ranh đất tại các vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước thải; đồng thời, tham mưu UBND TP.HCM thực hiện dự án bồi thường, thu hồi đất để chuẩn bị sẵn quỹ đất thu hút đầu tư.
Thanh Hải
Bình luận