Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 20:01
Thứ ba, 05/11/2024 08:11
TMO - Các nước thuộc Tiểu vùng Mekong không chỉ chia sẻ chung dòng sông Mekong mà còn có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội và lịch sử. Đây chính là nền tảng, cơ sở hình thành một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng, đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa các nước ở Tiểu vùng; là cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trong Tiểu vùng, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế ở giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai.
Với dân số khoảng trên 334 triệu người, trong đó 40% dân số thuộc độ tuổi dưới 25, Tiểu vùng sông Mekong được xem là một thị trường tiềm năng. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự mở rộng của các ngành sản xuất công nghiệp nhẹ đang đưa các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong đến gần hơn với trung tâm của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Tiểu vùng sông Mekong có tiềm năng kinh tế rất lớn với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, từ tài nguyên khoáng sản đến năng lượng… Bên cạnh đó, sông Mekong với chiều dài hơn 4.800km - dài nhất khu vực Đông Nam Á - là con sông đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hơn 60 triệu người dân sinh sống quanh khu vực lưu vực sông, nhất là nguồn lợi về thủy sản, thủy điện và giao thông đường thủy. Tiểu vùng Mekong có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và đóng vai trò là vựa lúa lớn nhất của thế giới. Theo ước tính, ngư trường ở khu vực hạ lưu sông Mekong đem lại giá trị kinh tế khoảng trên 17 tỷ USD/năm.
Tiểu vùng sông Mekong với địa thế là bản lề giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và Ấn Độ; kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển, với những nền kinh tế năng động và nhu cầu cao về đầu tư, thương mại, phát triển kết cấu hạ tầng. Tiểu vùng sông Mekong là “giao điểm” của một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, kết nối lục địa châu Á với châu Đại Dương theo hướng bắc - nam; Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương theo hướng đông - tây. Vì vậy, Tiểu vùng sông Mekong luôn chiếm một vị trí quan trọng trong tương quan lực lượng của thế giới và vị trí quan trọng trong chiến lược, chính sách đối ngoại của các cường quốc.
Nằm ở vùng hạ lưu, Việt Nam chịu nhiều tác động bởi dòng chảy sông Mekong. Ảnh minh họa.
Các nước thuộc Tiểu vùng không chỉ chia sẻ chung dòng sông Mekong mà còn có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội và lịch sử. Đây chính là nền tảng, cơ sở hình thành một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng, đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa các nước ở Tiểu vùng; là cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc trong Tiểu vùng, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế ở giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai. Dưới góc độ văn hóa, xã hội, các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong chủ yếu chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa lớn ở phương Đông là Trung Hoa và Ấn Độ. Do nền tảng văn hóa của các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mang những giá trị chung, có nhiều nét tương đồng nên quá trình thúc đẩy giao lưu, tiếp biến văn hóa luôn được duy trì mặc dù mỗi nước vẫn có những bản sắc riêng. Quá trình này giúp tăng cường đối thoại, giao lưu và hợp tác giữa các nền văn hóa, góp phần xây dựng Đông Nam Á nói chung, Tiểu vùng sông Mekong nói riêng trở thành một khu vực ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tuy nhiên, hiện Tiểu vùng sông Mekong cũng đang chịu nhiều tác động đan xen giữa các yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá trị địa - chiến lược của khu vực.
Theo TS. Bùi Thanh Tuấn, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đây là những yếu tố khách quan mà Tiểu vùng đang phải đối diện. Tình trạng hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng cao cũng là những mối đe dọa trực tiếp tới vấn đề an ninh nguồn nước và an ninh lương thực của các quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong. Theo dự báo của Trung tâm quản lý Môi trường quốc tế (ICEM), vào cuối thế kỷ XXI, mực nước biển ở khu vực này sẽ tăng từ 60cm - 100cm và thời gian hạn hán kéo dài trong năm có thể tăng từ 10% - 100%. Đến năm 2100, mực nước biển dâng cao sẽ mất đi khoảng 70% diện tích đất canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long (của Việt Nam), ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người. Nguy cơ này đang đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề bảo đảm an ninh của Việt Nam, khi cả Tiểu vùng đang cùng chịu tác động kép của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tới cả các công trình đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Vì vậy, những vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh ở Tiểu vùng ngày càng phụ thuộc vào xu hướng sử dụng, khai thác nguồn nước sông Mekong ở mỗi quốc gia.
Sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước trong khu vực. Từ trước đến nay, khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN “biển đảo” với các nước ASEAN “lục địa” vẫn rất lớn. Các nước ASEAN “lục địa” chủ yếu là các quốc gia nhỏ, có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài nên nguy cơ bị tổn thương trong các hoạt động hợp tác, đầu tư cũng tương đối cao. Đặc biệt, các nước ở Tiểu vùng sông Mekong luôn phải đối mặt với nguy cơ rơi vào “bẫy” của các nền kinh tế tăng trưởng dựa vào nguyên liệu; trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và công nghệ lạc hậu với nhiều hệ lụy về an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực… Sự khác biệt về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế vốn là đặc thù của ASEAN nói chung, nên không thể dễ dàng thay đổi trong tương lai gần. Trong giai đoạn trước mắt, sự khác biệt này sẽ dẫn đến những khác biệt về cách nhìn nhận và khác biệt trong cách thức theo đuổi lợi ích quốc gia giữa các thành viên, điều này sẽ dẫn đến các nước trong Tiểu vùng sẽ có các mức độ cam kết khác nhau về khả năng ứng phó với các nguy cơ, thách thức an ninh ở khu vực.
Thách thức tiếp theo là sự khác biệt về lợi ích, sự tương tác và tác động đa chiều ở những mức độ khác nhau đến từ các cường quốc trên nhiều vấn đề của khu vực sẽ gây ra những khó khăn cho việc định hình một quan điểm chung, thống nhất giữa các nước trong Tiểu vùng. Thời gian gần đây, trước những chuyển dịch địa - kinh tế, địa - chính trị và địa - an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn đang phần nào khiến các nước ASEAN, nhất là các nước ASEAN “lục địa” đứng trước những quyết định khó khăn trong việc lựa chọn hướng đi cho riêng mình.
Đặc biệt, trong giải quyết vấn đề an ninh khu vực, các nước ASEAN sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn bởi sự chia rẽ quan điểm nội khối do nguyên tắc đồng thuận, thống nhất trong đa dạng. Đây được coi là khó khăn lớn nhất đối với các nước Tiểu vùng sông Mekong trong việc bảo đảm các giá trị địa - chiến lược của khu vực. Sự đối đầu và những cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang khiến nhiều nước ASEAN, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mekong phải đứng trước bài toán “chọn bên” hoặc phải tìm cách để cân bằng mối quan hệ. Cùng với đó, Cộng đồng ASEAN tiếp tục đứng trước khó khăn trong thực thi hiệu quả giá trị đồng thuận, thống nhất trong đa dạng và con đường hướng tới sự hội nhập sâu sắc hơn nữa có thể sẽ bị chậm lại.
Lịch sử hình thành, phát triển của các quốc gia - dân tộc là quá trình xác lập một cách tương đối ổn định về lãnh thổ, địa lý, cùng các mặt của đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối nội - đối ngoại…; những lĩnh vực này đều sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Hiểu được những lợi thế, giá trị địa - chiến lược cũng như những thách thức đối với giá trị địa - chiến lược đó sẽ góp phần xây dựng tốt chiến lược, kế hoạch cho một không gian an ninh, hội nhập và phát triển của các nước Tiểu vùng sông Mekong, trong đó có Việt Nam.
PHAN HUÝNH
Bình luận