Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ sáu, 21/01/2022 16:01
TMO - Năng lượng điện mặt trời mang lại giá trị kinh tế lớn. Tuy nhiên, rác thải của nguồn năng lượng này là những tấm pin quang điện dự báo sẽ trở thành nguồn thải ô nhiễm cho môi trường và con người.
Trong những năm gần đây, điện mặt trời đã được nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, các tổ chức, nhà kinh doanh... quan tâm đầu tư, khai thác nhằm phục vụ sinh hoạt, sản xuất cũng như kinh doanh trên thị trường điện tại Việt Nam.
Đi cùng với lợi ích kinh tế mang lại từ hàng ngàn dự án, công trình điện mặt trời là nỗi lo về rác thải khi có hàng chục triệu tấm quang điện (pin mặt trời) đang hoạt động hiện nay. Xử lý loại rác thải này như thế nào sau khi chúng hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng phải thải bỏ... là vấn đề chưa được quan tâm hiện nay.
Pin năng lượng mặt trời là một trong những biện pháp, công cụ hữu ích giúp biến năng lượng mặt trời thành năng lượng điện. Tuy nhiên, cấu tạo của những tấm pin năng lượng mặt trời có đến 76% là pin, 10% polyme, 8% nhôm, 5% nguyên tố silic, 1% đồng và các loại kim loại như chì, thiếc...
Việc phát triển tràn lan các dự án điện mặt trời đòi hỏi phải có phương án xử lý môi trường hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề phát triển điện mặt trời, Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định, nếu sau khi những tấm pin quang điện thải loại ra, mang đi chôn lấp không đúng quy định, các thành phần hóa học có trong những tấm pin này sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trong khi đó, việc thu hồi và xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn, hư hỏng lại chưa được quan tâm.
Các chuyên gia nhận định, trong tế bào quang điện ở pin mặt trời có các thành phần nguy hại như: Antimomny, arsenic, barium, cadmium, chì, coban, kẽm, molybdennum, thuỷ ngân và các loại hóa chất độc hại như: axit clohydric, axit sulfuric, axit nitric, hydro florua và axeton... dùng làm sạch tấm pin, khi làm việc với những tấm pin mặt trời này, công nhân có thể hít phải bụi silicon, gây tổn hại đến sức khỏe.
Hiện nay, tại các nước phát triển và đang phát triển, quy định về chất thải từ các nhà máy điện mặt trời rất chặt chẽ. Việc thu hồi pin mặt trời trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nhà máy sử dụng pin mặt trời cho phát điện. Theo quy định, các tấm pin năng lượng mặt trời hết thời hạn sử dụng và các bao bì đóng gói sau khi người tiêu dùng thải bỏ sẽ được thu hồi để tái chế bởi nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Nhưng tại các dự án điện mặt trời ở Việt Nam, còn nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt việc thu hồi.
Do đó, với khoảng 83.000 công trình điện mặt trời ở Việt Nam hiện nay sau thời gian hoạt động, các tấm pin thải loại ra không được xử lý tốt, môi trường sẽ phải tiếp nhận một khối lượng khổng lồ chất thải nguy hại. Và điều đó sẽ hủy hoại môi trường, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân.
Một số chuyên gia môi trường cho rằng, để bảo vệ môi trường song hành với phát triển bền vững nguồn năng lượng từ điện mặt trời, mỗi những dự án, nhà máy phát triển điện mặt trời phải nhất thiết làm đánh giá tác động môi trường một nghiêm túc và đầy đủ.
Cần có quy định buộc các dự án, nhà đầu tư sẽ phải làm đánh giá tác động môi trường và có sự giám sát của các cơ quan chức năng, sẽ giúp phân tích môi trường, liệt kê đầy đủ những hậu quả liên quan đến môi trường từ dự án, đề án, chính sách và chương trình mục tiêu cụ thể của từng dự án. Đồng thời thể hiện đầy đủ các phương án hành động khắc phục kịp thời các tác động xấu. Tránh tình trạng xây dựng, đầu tư tràn lan, bất chấp môi trường sinh thái.
Thông tin từ Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2020, cả nước đã có 83 nghìn công trình điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên đến gần 4.700 MWp. Đi cùng với nó là hàng triệu tấm pin điện mặt trời sẽ được thải ra môi trường trong tương lai. |
Hoài Dương
Bình luận