Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ ba, 23/05/2023 14:05
TMO - Khi nói đến cây thuốc người ta thường nghĩ đến các loài cây thảo, cây bụi, cây leo có đời sống ngắn hạn, kể cả một số loài cây gỗ như Quế, Hồi... cũng phải trồng hành chục năm mới cho nguyên liệu làm thuốc, nhưng ít ai nghĩ rằng những cây cổ thụ sống hàng trăm năm hoặc lâu hơn nữa được vinh danh là Cây Di sản, cũng là cây thuốc, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo tiêu chuẩn thì Cây Di sản mọc tự nhiên phải có tuổi trên 200 năm, cây trồng phải trên 100 năm, nhưng thực tế thì nhiều “cụ” Cây Di sản có tuổi rất cao như cây trôi 700 tuổi ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), cây Đa 800 tuổi ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), cây Thị khoảng 1000 tuổi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cây Pơ mu 1.800 tuổi ở Tây Giang (Quảng Nam)... đặc biệt hơn là cây Táu ở trước miếu Thiên Cổ (TP Việt Trì) đã 2.200 năm tuổi.
Cây Di sản không chỉ là niềm tự hào của người dân ở nơi có cây này mọc, trong lĩnh vực bảo vệ cảnh quan môi trường và phát triển bền vững, góp phần phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân, mà còn là một nguồn gen đặc biệt của nhiều loài cây thuốc quý, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Cho đến nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên thực vật phong phú, đa dạng với khoảng 11.000 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu khoảng 10% và được xếp hạng thứ 16 trong số 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới.
Riêng cây thuốc đã biết trên 4.000 loài (chiếm khoảng 20% số loài cây thuốc trên toàn thế giới), chưa kể những cây thuốc gia truyền của 53 dân tộc thiểu số, mà đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê. Đa số chúng mọc ở trong rừng tự nhiên, nhưng các khu rừng nguyên sinh ở nước ta ngày càng bị thu hẹp, nên khi mất rừng thì nhiều loài cây thuốc ở trong rừng cũng bị mất theo. Trong khi đó, nguồn gen của nhiều loài Cây Di sản là cây thuốc mà ông cha ta để lại đang được các cộng đồng người dân bảo vệ và gìn giữ lâu dài.
Các Cây Di sản cao to hùng vĩ đã tồn tại, chống chịu và thích nghi với khí hậu khắc nghiệt qua hàng trăm năm, nhiều cây đến hàng ngàn năm, là một tài sản quý của đất nước. Ngoài giá trị thẩm mỹ tạo cảnh quan đẹp, nó còn có giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh, đã gắn bó với con người và cộng đồng dân cư của các địa phương trong cả nước. Đến nay, trong số 125 loài Cây Di sản đã được công nhận có 38 loài (30%) cây được dùng làm thuốc. Thông tin chi tiết về những cây này rất phong phú và đa dạng, có thể viết thành một cuốn sách về cây thuốc.
Cây Bàng Di sản trong khuôn viên nhà tù Côn Đảo
Cây Bàng có tên khoa học là Terminalia catappa L có nguồn gốc ở Ấn Độ, mọc hoang và được trồng ở nhiều nước nhiệt đới trong khu vực Đông Nam Á., Trung và Nam Mỹ. Ở Việt Nam, Bàng là một cây rất quen thuộc, được trồng ở khắp nơi, ở ven đường, hè phố, công viên và sân trường để lấy bóng mát. Trong số những Cây Di sản được vinh danh đến nay thì những cây Bàng Di sản có tuổi 130-150 năm trong khuôn viên các dãy nhà từ Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mang ý nghĩa đặc biệt.
Những cây Bàng Di sản có tuổi 130-150 năm trong khuôn viên các dãy nhà từ Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mang ý nghĩa đặc biệt.
Những cây Bàng Di sản ở đây đã gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng đã từng bị giam giữ nơi địa ngục trần gian này. Trong tình trạng bị giam cầm và tra tấn tàn bạo của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, với những bữa ăn trong từ chỉ có cơm hẩm với cá mục, làm cho sức khỏe người tù bị suy kiệt thì những chiếc lá và quả Bàng tuy có vị chát nhưng trở thành thứ rau xanh quan trọng bổ sung dưỡng chất và còn làm thuốc chữa bệnh, cứu sống những người cộng sản bị lưu đày.
Bàng là cây gỗ, cao từ 8-10m hoặc hơn, cành nằm ngang mọc vòng thành nhiều tầng quanh thân, tạo thành tán cây xòe như cái lọng. Lá to, mọc so le, phiến lá hình trứng ngược, dài 20-25cm, rộng 10-13cm, đầu lá trong, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn màu hung nhạt, cuống lá ngắn. Lá Bàng chuyển thành màu nâu đỏ và rụng về mùa lạnh khô. Cụm hoa là chùm, dài 15-20cm, ở kẽ các lá non đầu cành, mang nhiều hoa nhỏ, tạp tính cùng gốc. Đài hoa có 5 răng, sớm rụng, không có cánh hoa.... Quả hạch, hình trứng hơi dẹt, dài 4cm, rộng 3cm, đầu hơi nhọn, khi chín có màu vàng đỏ, vị hơi chua, ăn được.
Vỏ thân Bàng chứa 25 – 35% Tanin Catechic và Tanin Pyrogalic, lá Bàng có chứa tannin, Lá Bàng chứa tanin, corilagin, acid galic, acid elagic và acid brevifolin carboxylic. Nhân hạt Bàng chứa 25,42% protein, 5,98% đường, 52% chất béo màu vàng nhạt, vị dễ chịu, giống như dầu hạnh nhân, ăn được. Nhân hạt có thể ăn tươi, hay chế biến làm nhân bánh. Bàng là cây đa tác dụng. Theo Đông y, búp và lá Bàng có tính mát, kết hợp với lá Hương nhu, Cúc tần, mỗi thứ 30g, sắc uống để chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi. Lá tươi giã nát, sao nóng để chườm, hoặc bó vào nơi đau nhức có tác dụng giảm đau. Lá Bàng sắc nước đặc, chữa viêm loét, sâu quảng, vết thương có mủ.
Cây Bàng có công dụng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hạt Bàng có chứa chất béo đơn bão hoà, protein và kali, là những chất hỗ trợ tim. Nhân hạt Bàng 20g sao vàng, sắc uống, chữa đại tiện ra máu, kiết lỵ. Dầu hạt nấu với lá Bàng dùng chữa ghẻ, bệnh phong và các bệnh ngoài da khác. Hạt Bàng còn được người dân ở Côn Đảo chế biến thành mứt Bàng có vị bùi bùi, mùi thơm hấp dẫn, vừa ngon vừa lạ.
Theo tài liệu Ấn Độ, Bàng là cây thuốc được dùng nhiều trong hệ thống y học cổ truyền Ayurvedic. Ngày càng có nhiều nghiên cứu dược lý cho biết chất chiết từ lá và quả Bàng có tác dụng chống oxy hóa, chống bệnh ung thư, chống HIV, chống viêm, chữa bệnh tiểu đường và bảo vệ gan. Nước ép của lá Bàng non dùng chế thuốc mỡ chữa bệnh hủi, ghẻ; dùng uống chữa đau đầu, đau bụng. Lá Bàng già khi chuyển sang màu nâu đỏ, chứa flavonoid có tính chất chống oxy hóa, gồm apigenin 6-c-(2 -galloyl)-L-D-glycosid, apigenin 8-c-(2 -galloyl)-L-D-glycosid, isovitexin, vitexin, isoorienthin, rutin và tannin; acid gallic, acid ellagic, puricalagin và punicalin.
TT (ghi)
Bình luận