Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ bảy, 24/08/2024 07:08
TMO - Nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, tỉnh Đồng Nai đã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến sự bền vững…Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để sản xuất theo hướng hữu cơ là một trong những định hướng được tỉnh quan tâm triển khai.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Đồng Nai, về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Đồng Nai chiếm tỷ trọng hơn 8,9%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 22.300 tỷ đồng, tăng 3,34%. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ đều đạt tăng trưởng tốt.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hoá, không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh Đồng Nai đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật hiện đại để sản xuất nông sản hữu cơ, an toàn, đảm bảo chất lượng.
Công nghệ mà Đồng Nai nghiên cứu, lựa chọn để hướng tới ngành nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn này là công nghệ SOFIX. SOFIX là từ viết tắt của cụm từ “Soil Fertility Index” nghĩa là “Chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất”. Công nghệ SOFIX được phát triển bởi giáo sư người Nhật Bản được dùng để chẩn đoán sức khỏe của đất nông nghiệp bằng cách phân tích các tính chất sinh - hóa - lý và chuyển hóa vật chất trong đất. SOFIX chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật; có nguyên lý là sử dụng tuần hoàn các hợp chất hữu cơ và sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ để hạn chế sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều chuyên gia nhận định đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, một công nghệ mang tính đột phá trong “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì đất và nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ, giúp nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường. Việc canh tác hữu cơ theo công nghệ SOFIX đã được triển khai thành công ở Nhật Bản, cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học; đồng thời chi phí sản xuất giảm từ 20-30% bằng việc giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học; đồng thời, chất lượng nông sản cũng tăng lên.
Trước đó, cuối năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức đoàn công tác học tập sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản, trong đó có công nghệ SOFIX nhằm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này trên địa bàn tỉnh.
Việc chẩn đoán độ phì nhiêu của đất có ý nghĩa quan trọng trong canh tác nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ).
Đồng Nai tuy là tỉnh công nghiệp nhưng rất quan tâm phát triển nông nghiệp. Tỉnh có tổng diện tích tự nhiên gần 5.900km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 79% (462.000ha). Tỉnh có đất canh tác nông nghiệp phong phú, với nhiều loại đất tốt, đặc biệt là đất đỏ bazan thích hợp cho việc phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả.
Lãnh đạo UBND Đồng Nai cho biết, thời gian qua, tỉnh quan tâm phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế xuất khẩu như cao su, tiêu, điều, cà phê... Do đó, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến sự bền vững mà trọng tâm là sản xuất theo hướng hữu cơ.
Hiện nay nền nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có một phương pháp phân tích vi sinh đất toàn diện, canh tác vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và trực giác nên rất khó đạt được năng suất ổn định. Việc canh tác hữu cơ theo công nghệ SOFIX cho năng suất tương đương hoặc cao hơn canh tác hóa học, giảm chi phí sản xuất là tiền đề để Đồng Nai hướng tới xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững.
Để hiện thực hóa điều này, ngành nông nghiệp Đồng Nai đang ưu tiên nhân rộng các mô hình điểm, nhân tố mới về nông nghiệp hữu cơ, động viên, khuyến khích những người tham gia mới. Đồng Nai kỳ vọng sẽ hình thành một đội ngũ chất lượng làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong tất cả các mảng để đạt được những kết quả theo kỳ vọng của UBND tỉnh.
Để đạt được kết quả và có những nghiên cứu chính xác nhất, Lãnh đạo UBND Đồng Nai đã chỉ đạo, giao Sở NN&PTNT phối hợp với sở, ngành và UBND huyện Vĩnh Cửu và huyện Cẩm Mỹ khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch thử nghiệm công nghệ SOFIX trên cây sầu riêng và bưởi đã lựa chọn.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, Đồng Nai còn đẩy mạnh phát triển diện tích trồng cây nông nghiệp theo hướng an toàn và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đã đến lúc phải định vị lại ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh Đồng Nai nói riêng theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững để sự tăng trưởng của nền nông nghiệp không phải là sự đánh đổi của môi trường, suy thoái đa dạng sinh học, sức khỏe của người nông dân và người tiêu dùng. Cách tiếp cận công nghệ SOFIX sẽ là giải pháp hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển đột phá.
Hà Chi
Bình luận