Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ ba, 15/10/2024 06:10
TMO - Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đang là xu hướng tất yếu. Do đó, tỉnh Sơn La đã triển khai thí điểm mô hình trồng rau, quả an toàn bằng công nghệ thuỷ canh, sử dụng giá thể không sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Mô hình này đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp Sơn La.
Với lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động, những năm gần đây tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có giá trị kinh tế cao.
Nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, ngày 22/4/2024, UBND tỉnh Sơn La đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu rau, quả (thuộc Bộ NN&PTNT) triển khai thí điểm mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh, sử dụng giá thể không dùng đất để sản xuất rau, quả an toàn. Sau 3 tháng triển khai, năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên, môi trường được cải thiện.
Mô hình được triển khai tại Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về nông, lâm nghiệp Mộc Châu, thuộc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La.
Mô hình đã trồng thử nghiệm dưa lưới, cà chua và xà lách, sử dụng xơ dừa, thủy canh, với tổng diện tích gần 2.000m² trong nhà kính. Mô hình áp dụng công nghệ tưới hồi lưu, dinh dưỡng được hòa tan trong các bồn chứa, được cài đặt tự động bơm tưới vào các giá thể xơ dừa để nuôi cây trồng; sau đó được thu hồi về bồn chứa và được xử lý bằng đèn chiếu tia cực tím UV để diệt vi khuẩn, nấm, virus gây bệnh, trước khi được bơm ngược trở lại cấp dinh dưỡng nuôi cây.
Phương pháp trồng thuỷ canh đã khắc phục được tình trạng rau bị nhiễm vi khuẩn, nấm và tuyến trùng. (Ảnh minh hoạ).
Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cho biết, thời gian qua, các nhà vườn trồng rau và quả ngắn ngày tại tỉnh Sơn La đang đối mặt với nguy cơ cây bị nhiễm bệnh trong đất. Đặc biệt, vi khuẩn, nấm và tuyến trùng là các đối tượng gây bệnh, rất khó phòng trừ, do chưa có thuốc đặc hiệu, gây thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, công nghệ trồng cây bằng giá thể không đất, sử dụng xơ dừa và thủy canh là giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Kết quả bước đầu cho thấy, sau 75 ngày trồng dưa lưới bằng phương pháp sử dụng giá thể, đã cho thu hoạch, chất lượng đồng đều, có trọng lượng từ 1,8-2 kg/quả, độ ngọt cao, giòn, thơm. Đối với cây xà lách, cà chua sinh trưởng tốt, năng suất tăng 1,5 lần so với sản xuất trên đất, rút ngắn thời gian sinh trưởng 7-10 ngày/vụ. Trung bình 1.000 m2 nhà kính trồng cà chua, sau 4-6 tháng, doanh thu 100-120 triệu đồng; đối với cây dưa lưới, sau 2,5-3 tháng trồng, doanh thu đạt 120-150 triệu đồng.
Đại diện Viện Nghiên cứu rau, quả chia sẻ, công nghệ thủy canh đã được nhiều cơ sở trên cả nước áp dụng rộng rãi, nhờ lợi thế giúp cây trồng ít chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài. Hiện tại, hầu hết hộ dân ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) vẫn chủ yếu trồng cây trên đất. Vì vậy, mô hình thí điểm trồng thuỷ canh, mở ra hướng đi mới, giúp các hộ dân nhận thức rõ hơn về vai trò của khoa học kỹ thuật và dần trang bị kiến thức để sẵn sàng tiếp cận thị trường khi có nhu cầu.
Với những kết quả từ mô hình trồng thuỷ canh mang lại, tỉnh Sơn La đã tiếp tục nhân rộng phương thức canh tác này trên địa bàn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn để hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác. Cụ thể, mới đây Viện Nghiên cứu rau, quả phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau, quả an toàn cho 45 hộ nông dân trên địa bàn huyện Mộc Châu. Nông dân được trực tiếp hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất bằng công nghệ không đất, sử dụng giá thể xơ dừa, thủy canh, giúp nông dân hiểu rõ hơn về các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến và mang lại cơ hội tăng năng suất trong canh tác rau, quả.
Trồng dưa lưới thuỷ canh mang lại năng suất cao cho người dân Sơn La. (Ảnh minh hoạ).
Một số người dân tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, chia sẻ, ngay từ năm 2023, với 1.200m2 nhà kính trồng cà chua, mỗi vụ cho sản lượng đạt 21 tấn quả. Tuy nhiên, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây không dùng đất cho thấy, kỹ thuật này có nhiều ưu điểm vượt trội, cây trồng phát triển đồng đều, giảm sâu bệnh hại, đến tiết kiệm nước, phân bón, năng suất, chất lượng tăng lên so với phương pháp canh tác cũ.
Dự án ứng dụng công nghệ thủy canh, sử dụng giá thể không dùng đất để sản xuất rau, quả an toàn được triển khai từ tháng 4/2024 đến tháng 5/2025. Sau khi kết thúc mô hình, Viện Nghiên cứu rau, quả sẽ bàn giao lại toàn bộ tài sản là hệ thống thiết bị trồng rau không dùng đất đã đầu tư cho Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tiếp tục quản lý, sử dụng và chuyển giao nhân rộng.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, cho biết, hiện tại, mô hình ứng dụng công nghệ thủy canh, sử dụng giá thể không dùng đất để sản xuất rau, quả an toàn đang phát huy hiệu quả. Sau thành công của mô hình, Sở sẽ chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc một số loại rau, hoa quả có năng suất, chất lượng cao; từ đó đánh giá, nhân rộng chuyển giao cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân có nhu cầu.
Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp phát triển nông nghiệp, phát huy lợi thế, tỉnh Sơn La đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Xác định cùng với du lịch, đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Đáng chú ý, tỉnh Sơn La đã hình thành các vùng tập trung phát triển rau an toàn, hoa, cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao; nhiều mô hình phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao với doanh thu mỗi năm hằng tỷ đồng/ha.
Ứng dụng công nghệ cao nói chung và phương pháp trồng thuỷ canh, sử dụng giá thể không sử dụng đất nói riêng, đã mở ra một hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La. Đây là cơ sở để Sơn La đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa, ứng dụng toàn diện và đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực theo hướng bền vững, không gây hại cho môi trường. Đồng thời, cung cấp được những sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng nông sản.
Ngọc Ánh
Bình luận