Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 21:12
Thứ sáu, 29/11/2024 06:11
TMO - Trước những thuận lợi từ sàn thương mại điện tử mang lại, hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn xã Tân Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) đã đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các trang mạng xã hội, góp phần mở rộng thị trường kinh doanh, ổn định đời sống kinh tế, vật chất.
Một trong những giải pháp tiềm năng để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay đó là là tận dụng sức mạnh của các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội như TikTok, facebook…Kết hợp với các phương thức bán hàng truyền thống, thì bán hàng theo hình thức trực tuyến (online) là một trong những giải pháp hàng đầu được người dân xã Tân Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) chú trọng áp dụng.
Theo nhận định của Lãnh đạo UBND xã Tân Quang (huyện Bắc Quang), trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều nông dân và tiểu thương trên địa bàn xã đã và đang sử dụng những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội để kinh doanh cũng như mở rộng đối tượng khách hàng ra khắp mọi miền. Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay toàn xã Tân Quang có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 90%; tỷ lệ người dùng Internet đạt trên 90%; …Đây là những điều kiện thuận lợi để người dân triển khai bán hàng trên sàn TMĐT.
Trước sự thuận lợi và doanh thu lớn của một số hộ gia đình kinh doanh trên sàn TMĐT trên địa bàn, hiện nay Chính quyền xã Tân Quang đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh và người dân chuyển đổi số, thực hiện kết hợp giữa sản xuất và bán hàng online trên các trang: Shopee, Lazada, Tiktok… kết hợp với bán hàng trực tiếp. Chính quyền xã Tân Quang luôn xác định rõ các định hướng để người dân tích cực lao động, sản xuất.
Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa từ chính những thế mạnh sẵn có của địa phương theo hướng phát triển. Sàn TMĐT hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến trong kỷ nguyên số, sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột trong tiến trình phát triển kinh tế số của xã Tân Quang nói riêng và toàn tỉnh Hà Giang nói chung.
Đến nay, nhiều bà con đã và đang cơ bản tiếp cận với môi trường “chợ ảo”; một số mô hình kinh doanh TMĐT trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định với số lượng người theo dõi tăng đáng kể theo mỗi phiên livestream. Từ đó, xã Tân Quang đã tập trung tuyên truyền, nhân rộng các mô hình kinh doanh hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ứng dụng sàn TMĐT được người dân tích cực triển khai. Đơn cử như một số hộ gia đình tại xã Tân Quang, bán đặc sản bánh gio hay còn gọi là bánh tro – một món ăn độc đáo của người Tày ở Hà Giang, sau mỗi phiên Livestream bán hàng đã giúp cơ sở từ sản xuất vài trăm cái/ngày lên hàng nghìn cái/ngày.
Người dân Hà Giang livestream bán sản phẩm nông sản trên nền tảng mạng xã hội. (Ảnh minh hoạ: T.L).
Đặc biệt những ngày đầu tháng và ngày rằm, lễ, tết thì tổng đơn hàng có thể lên trên 10.000 cái được đóng gói, hút chân không gửi theo đường bộ, máy bay vào các tỉnh miền trong như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc sang các nước: Lào, Campuchia và Thái Lan. Chính nhờ TMĐT thị trường tiêu thụ bánh tro đã mở rộng, Đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động.
Theo chia sẻ của một số người dân kinh doanh trên sàn TMĐT tại xã Tân Quang, sau một thời gian duy trì trang web riêng cho cửa hàng và bán hàng online trên các “chợ ảo”, mỗi ngày mang về doanh thu cho người dân lên tới hàng triệu đồng.
Tuy nhiên, lâu nay bà con nông dân đưa nông sản, hàng hóa lên các sàn TMĐT để quảng bá và bán hàng chủ yếu mang tính tự phát. Để TMĐT thực sự là kênh tiêu thụ nông sản, hàng hóa hiệu quả, đồng thời giúp nông dân tránh vướng mắc về pháp lý, thiệt hại khi tham gia kênh TMĐT rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ đào tạo, nâng cao kiến thức cho bà con tiếp cận và đẩy mạnh TMĐT tạo cơ hội cho người dân có cơ hội giao lưu, cọ xát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, tăng cường quảng bá các sản phẩm tiêu biểu đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trong nước và thế giới.
Nhận thức rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu, rộng, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025 với một số chỉ tiêu phấn đấu cơ bản như: 50% hàng hóa được chứng nhận OCOP, chỉ dẫn địa lý có mặt trên các sàn giao dịch TMĐT; 30% doanh nghiệp, HTX thuộc lĩnh vực công thương được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số …
Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng (hỗ trợ xây dựng website bán hàng, gian hàng trên sàn TMĐT tỉnh Hà Giang và một số sàn phổ biến khác) và các giải pháp giao dịch, thanh toán điện tử trong thương mại và dịch vụ công. Chú trọng ứng dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phát triển các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR Code, POS… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số cho bà con nông dân.
Nhật Nam
Bình luận