Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ hai, 13/06/2022 13:06
TMO - Tận dụng những tiềm năng, lợi thế vốn có, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khơi thông nhiều nguồn lực đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tạo ra bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Với nhiều kiểu địa hình khác nhau, phổ biến là địa hình núi cao do được tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, địa hình có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông, tạo điều kiện cho nhiều khu vực tại tỉnh Điện Biên có tiềm năng gió rất tốt và ổn định.
Theo Global Wind Atlas, nhiều khu vực của tỉnh Điện Biên tại các vị trí đồi núi cao, vận tốc gió trung bình đạt từ 7 m/s đến 10 m/s ở độ cao 100 m và mật độ gió tốt. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện gió nhằm cung cấp điện năng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên và khu vực.
Báo cáo trên cơ sở các công trình nghiên cứu về tiềm năng gió tại Trạm đo sức gió xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên cho thấy, tất cả các điểm khảo sát đều cho mức gió vượt yêu cầu để triển khai các dự án năng lượng gió tiềm năng lớn.
Ảnh minh họa
Hiện tại, Điện Biên có nhiều khu vực tiềm năng có thể khảo sát quan trắc, đặt cột đo gió để nghiên cứu và đầu tư phát triển các dự án điện gió như: Khu vực huyện Điện Biên Đông, các dãy núi thuộc xã Keo Lôm, xã Pu Nhi có tốc độ gió trung bình trên 7,93 m/s, với mật độ năng lượng trung bình khoảng 567 W/m2. Hướng gió thịnh hành theo chiều Đông Nam và Tây Nam, công suất dự kiến 300MW đến 500MW.
Khu vực xã Noong U tốc độ gió trung bình trên 7,63 m/s, với mật độ năng lượng trung bình khoảng 534 W/m2. Hướng gió thịnh hành theo chiều Đông và Tây Nam với công suất dự kiến 300MW đến 500MW. Các dãy núi thuộc khu vực cửa khẩu Quốc tế Tây Trang thuộc xã Na Ư và xã Pa Thơm, huyện Điện Biên tốc độ gió trung bình trên 7,81 m/s,với mật độ năng lượng trung bình khoảng 508 W/m2. Hướng gió thịnh hành theo chiều Đông và Tây Nam, công suất dự kiến 300MW đến 500MW.
Các dãy núi thuộc khu vực Mường Mươn, Na Sang (Mường Chà) tốc độ gió trung bình trên 7,68 m/s, với mật độ năng lượng trung bình khoảng 587 W/m2. Hướng gió thịnh hành theo chiều Đông, Đông Nam và Tây Nam. Công suất dự kiến 300MW đến 500MW...
Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cho biết thêm: Theo đánh giá của Viện Năng lượng Việt Nam, Điện Biên có tiềm năng phát triển điện gió với tổng công suất từ 2500 – 3000 MW. Đến nay tổng công suất dự kiến mà các nhà đầu tư đề xuất khoảng 1400 MW.
Nhằm phát huy những lợi thế trong thúc đẩy phát triển tiềm năng điện gió của tỉnh đã được Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm thu hút các nhà đầu tư vào nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh. Hiện tại, UBND tỉnh Điện Biên đã cho phép 4 nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, với tổng công suất dự kiến khảo sát của 4 nhà đầu tư là 1480MW.
Hiện nay, Bộ Công thương đang hoàn thiện nội dung dự thảo trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo dự thảo Quy hoạch trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhà máy điện gió Intracom - Mường Ảng (công suất 100MW), nhà máy điện gió Intracom - Huổi Lèng (công suất 100MW), các tiềm năng kỹ điện gió khác với công suất dự kiến là 350MW và 800MW.
Ngoài 2 danh mục đã có trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII có công suất dự kiến 200 MW, tỉnh Điện Biên đã đề xuất, kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét bổ sung 6 danh mục các dự án điện gió trên địa bàn vào trong Quy hoạch Điện VIII với tổng công suất dự kiến 1280 MW.
Đồng thời UBND tỉnh đã báo cáo, kiến nghị Bộ Công thương xem xét bổ sung các dự án tiềm năng năng lượng tái tạo như: Thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện rác, điện sinh khối, thủy điện tích năng… trên địa bàn tỉnh Điện Biên với tổng công suất là 4.788MW vào trong Quy hoạch điện VIII tại Báo cáo số 63/BC-UBND ngày 10/3/2022.
Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu 10%. Từ đó, địa phương này xác định dựa trên ba trụ cột chính là tái cơ cấu lại nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát triển tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và khai thác các lợi thế sẵn có của Điện Biên để phát triển du lịch.
Ánh Tuyết
Bình luận