Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ năm, 12/12/2024 06:12
TMO - Trải qua nhiều nỗ lực trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả nhất định. Nhằm mục tiêu tiến tới hoàn thành xây dựng NTM thông minh, chính quyền và người dân Bắc Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước hình thành nên những vùng quê thông minh.
Thực hiện công cuộc xây dựng NTM, tỉnh Bắc Giang đã tích tụ được nguồn nội lực mạnh mẽ để bước vào quá trình cách mạng mới, với tâm thế, tầm vóc theo xu hướng khoa học công nghệ hiện đại. Để nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã chú trọng việc triển khai thực hiện chuyển đổi số tại địa bàn.
Tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) là một trong 3 xã trong cả nước được Bộ NN&PTNT chọn thí điểm xây dựng mô hình xã thương mại điện tử. Khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do nhiều người dân, hộ gia đình chưa biết đến các mô hình thương mại điện tử, các hình thức tiêu thụ sản phẩm mới chỉ dừng lại ở phương pháp bán hàng truyền thống. Để khắc phục tồn tại hạn chế, ngay khi được chọn triển khai mô hình điểm, xã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Trong đó, xã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử trong xây NTM đối với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng Nhân dân. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong tỉnh, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đến nay, xã đã xây dựng được 01 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Lân Thịnh với diện tích 1,5 ha, trong đó diện tích ổi là 0,8 ha, diện tích vải là 0,7 ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 580 triệu so với sản xuất thông thường.
Năm 2024, xã tiến hành xây dựng bản đồ số sản phẩm nông nghiệp gắn với các địa danh văn hóa, vùng sản xuất lớn xã Phúc Hòa, hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, bán sản phẩm nông nghiệp trên không gian mạng với gần 200 gian hàng đăng ký trên sàn thương mại điện tử. Với sự nỗ lực của cấp chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về Kinh tế - Phát triển sản xuất năm 2024.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã ước năm 2024 đạt 61,572 triệu đồng/người/năm, cao hơn 6,572 triệu đồng so với mức thu nhập bình quân đầu người được áp dụng chung theo quy định đối với xã NTM nâng cao năm 2024.
Số người dân trong độ tuổi sử dụng định danh điện tử đạt tỷ lệ 69,9%; hơn 80% hồ sơ công việc của xã được xử lý trên môi trường mạng, 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận được cập nhật quản lý giải quyết điện tử nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% cán bộ công chức thực hiện chữ ký số. Lãnh đạo UBND xã cho biết: Triển khai xây dựng mô hình xã thương mại điện tử là một nội dung quan trọng hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025.
Bộ mặt NTM tỉnh Bắc Giang đã có nhiều khởi sắc. (Ảnh minh hoạ).
Việc triển khai mô hình xã thương mại điện tử không chỉ áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mà còn giúp chính quyền xã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thông qua mô hình xã thương mại điện tử giúp người dân trên địa bàn xã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm kết nối với chủ thể sản xuất, khách hàng qua mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử uy tín.
Thực hiện triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, hiện đại, được sự hướng dẫn của Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa, xã Đoan Bái bắt tay triển khai thực hiện thí điểm mô hình xây dựng thôn NTM thông minh tại thôn An Hòa và thôn Giữa.
Xác định chủ thể của quá trình xây dựng NTM là người dân, xã đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Sau một thời gian triển khai, hiện cả 2 thôn của xã đã có mạng Wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn, có hạ tầng mạng Internet, cáp quang phủ sóng, dịch vụ mạng di động 4G, 5G đạt 100%. Hiện trên địa bàn xã Đoan Bái tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về sử dụng máy tính và kỹ năng số cơ bản đạt 70,36%; tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 72,16%...
Đặc biệt, xã thường xuyên cập nhật thông tin, truyền thông về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thôn, các hội nghị, các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, trang thông tin điện tử…Đại diện phòng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa cho biết, thực hiện Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 11/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 - 2025, huyện Hiệp Hòa đã kịp thời ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai, tuyên truyền, khuyến khích người dân đưa tiến bộ khoa học áp dụng vào sản xuất và đời sống.
Qua đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước phù hợp với định hướng chuyển đổi số của tỉnh. Theo kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, giai đoạn 2023-2025, huyện Hiệp Hòa phấn đấu đến năm 2025, phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM với tỉ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cấp huyện 85%, cấp xã 60%.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số phấn đấu ít nhất 70% xã có hợp tác xã, huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; đến hết năm 2025, toàn huyện có ít nhất 04 thôn NTM thông minh tại các xã NTM kiểu mẫu.
Để thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn nói riêng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong Chương trình MTQG xây dựng NTM nói chung, Sở NN& PTNT tỉnh cũng đang tích cực duy trì hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về trồng trọt, chăn nuôi tỉnh Bắc Giang.
Cơ giới hoá nông nghiệp được tỉnh Bắc Giang chú trọng ứng dụng. (Ảnh minh hoạ).
Đồng thời triển khai xây dựng mới cơ sở dữ liệu về công trình đê điều, thủy lợi và các sản phẩm, khu vực trồng trọt nông nghiệp trọng điểm. Xây dựng mã QR-Code, tiêu thụ nông sản qua nền tảng online, sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, gieo hạt giống...
Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng phục vụ chuyển đổi số nông thôn. Đặc biệt, Sở NN& PTNT đang triển khai nhiều mô hình ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, lâm sản…Đáng chú ý, mới đây tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch 73/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu năm 2025 tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các huyện đã đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Huyện Tân Yên phấn hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Ở cấp xã, có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM; có thêm 06 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; có thêm 03 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Ở cấp thôn, có 6 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt thôn NTM; có thêm 63 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu.
Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2025 là 696.341 triệu đồng, gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương; nguồn vốn ngân sách tỉnh; nguồn vốn ngân sách huyện, thành phố; nguồn vốn ngân sách xã đối ứng…/.
Huyền Thương
Bình luận