Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ hai, 19/08/2024 07:08
TMO - Với mục đích tối ưu hoá quá trình chăm sóc, chế biến chè, người dân tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các mã QR Code cho từng cây chè cổ thụ, nhằm nâng cao giá trị cho đặc sản chè Shan tuyết.
Có diện tích chè Shan tuyết lớn hàng đầu của cả nước, tỉnh Yên Bái được các nhà khoa học đánh giá là một trong những vùng đất thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý hiếm, với hương vị chè đặc trưng. Cây chè Shan tuyết mọc chủ yếu trên các triền núi cao, nhiều vùng chè Shan tuyết cổ thụ đã có từ lâu đời và gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái. Tổng diện tích chè Shan tuyết trên toàn tỉnh Yên Bái hiện có khoảng 3.500 ha, tập trung ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, Văn Yên và dải rác trên một số ngọn núi cao của huyện Trấn Yên.
Nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng huyện Văn Chấn được thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt. Nơi đây, hội tụ của quần thể với hơn 40.000 cây có tuổi đời từ trên 100 đến 300 năm, đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam từ đầu năm 2016.
Đặc biệt vùng lõi chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Suối Giàng trải rộng trên diện tích khoảng 400ha; trong đó, diện tích cây cổ thụ mọc tự nhiên là 290ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp. Với đặc điểm khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, có màu xanh đậm.
Trong những năm qua, để cây chè Shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu nổi bật, đồng bào dân tộc nơi đây đã quảng bá thương hiệu chè bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa với phát triển du lịch. Đặc biệt xã Suối Giàng đã nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng tầm giá trị, quảng bá rộng rãi đặc sản chè Shan tuyết.
Cụ thể người dân xã Suối Giàng đã tiến hành gắn mã QR, chủ động cập nhật quy định về thị trường EU, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận hành, phân phối sản phẩm chè Shan Tuyết. Đây là một bước tiến trong chuyển đổi số mà các nông hộ trên địa bàn xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái triển khai để bắt nhịp với chuyển đổi số, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Tại mỗi gốc chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn) sẽ được gắn mã QR để người dân, khách du lịch có thể cập nhật thông tin về cây. Ảnh: BYB.
Thông tin từ người dân xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, việc treo mã QR mang lại sự tin tưởng về chè Shan tuyết là chè đặc sản, thơm ngon. Khi gắn mã QR, khách du lịch khi quét mã QR sẽ ra nguồn gốc và tuổi đời của cây chè. Có cây chè từ 300 tuổi, 400 tuổi, 500 tuổi. Đối với khách du lịch, việc gắn mã QR trên từng cây chè Shan tuyết cổ thụ cũng khiến du khách thích thú bởi tìm được thông tin chi tiết, chính xác của từng cây chè đặc sản.
Bên cạnh đó xã Suối Giàng còn ứng dụng công nghệ trong quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; linh hoạt sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương. Với các mã QR Code trên từng sản phẩm chè được chế biến, chỉ cần một thao tác đơn giản trên điện thoại, người mua đã có thể nắm được thông tin cây lá chè đến tận gốc cây chè cổ thụ.
Việc làm này tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chè Việt Nam để minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, cung cấp các chứng chỉ để đáp ứng việc xuất khẩu ra các thị trường quốc tế. Và cũng là bước khởi đầu để các hợp tác xã vùng cao chuyển mình cùng cuộc cách mạng chuyển đổi số giữa bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lãnh đạo UBND xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, (tỉnh Yên Bái) cho biết, đối với sản phẩm chè, từ vấn đề truy xuất nguồn gốc, mã QR Code cũng đều được áp dụng trên từng dòng sản phẩm của chè Shan tuyết đặc sản.
Để quảng bá giá trị ngành hàng chè, hiện nay tỉnh Yên Bái bước đầu đã thí điểm gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho 100 cây chè Shan Tuyết cổ thụ và bộ tem dán trên sản phẩm chè khô đóng gói, chia theo 4 nhóm tuổi gồm 500 tuổi trở lên, trên 400 tuổi, trên 200 tuổi và từ 100 tuổi trở lên. Địa phương đã từng bước quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm chè Shan Tuyết Suối Giàng. Đây là một trong số các sản phẩm OCOP mà tỉnh Yên Bái ứng dụng chuyển đổi số nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Cùng với những giải pháp tăng cường quảng bá, xây dựng nhãn hiệu chè Shan tuyết, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh Yên Bái đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp chế biến và người dân trồng chè; thu hút đầu tư du lịch sinh thái cho những vùng chè Shan tuyết tập trung, tiến tới đưa cây chè Shan tuyết cổ thụ và sản phẩm từ chè sẽ trở thành điểm nhấn trong hành trình khám phá, trải nghiệm du lịch của địa phương.
Để trà Shan tuyết cổ thụ của xã Suối Giàng nói riêng và các loại trà cao cấp của Việt Nam nói chung có mặt rộng rãi trên các thị trường quốc tế lớn cần một quá trình lâu dài, bền bỉ, trong đó nhanh nhất chính là áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để xây dựng uy tín, tạo dựng niềm tin với thị trường và đối tác.
Mai Ly
Bình luận