Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ ba, 30/05/2023 14:05
TMO - Với 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm, đạt 57% mục tiêu kế hoạch năm 2023, việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế sẽ giúp ngành du lịch có khả năng đạt và vượt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế trong năm nay.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng trong tháng 5/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 916,3 nghìn lượt người, giảm 6,9% so với tháng trước và gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 4 triệu lượt người, chiếm 88% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 503,2 nghìn lượt người, chiếm 10,9% và gấp 11,3 lần; bằng đường biển đạt 50,9 nghìn lượt người, chiếm 1,1% và gấp 535,5 lần.
Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam với ước đạt 247.538 lượt khách tới trong tháng 5. Tính chung cả 5 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam ước tính phục vụ hơn 1,3 triệu khách đến từ Hàn Quốc. Tiếp đó, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ 2 tới Việt Nam. Lượng khách đến từ Trung Quốc trong tháng 5 tiếp đà tăng với ước đạt 146.755 lượt người, tổng lượng khách 5 tháng đầu năm ước đạt 398.891 lượt khách.
Trung Quốc vẫn là thị trường tăng trưởng khách mạnh nhất khi tăng hơn 1,3 lần so tháng 4 (112.000 lượt khách). Tháng 4 cũng ghi nhận mức tăng trưởng khách Trung Quốc cao nhất trong các thị trường quốc tế. Các đơn vị du lịch đều kỳ vọng khách sẽ đến nhiều hơn vào dịp hè này, bởi số lượng khách tháng 5 năm nay của thị trường này mới bằng 34% so với cùng kỳ 2019, trước khi dịch bùng phát.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước.
Thị trường tăng trưởng cao thứ tiếp theo là Malaysia với hơn 41.700 lượt (1,2 lần) và Nhật Bản hơn 43.800 lượt (1,01 lần). Thị trường tăng trưởng cao thứ tiếp theo là Malaysia với hơn 41.700 lượt (1,2 lần) và Nhật Bản hơn 43.800 lượt (1,01 lần). Nhìn chung, khách châu Á vẫn là nguồn khách chính của du lịch Việt Nam. Cụ thể 5 tháng qua Việt Nam đã đón hơn 3,4 triệu lượt khách gấp 14,7 lần cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khách đến từ châu Âu trong 5 tháng qua đạt hơn 621.000 lượt người (gấp 9,5 lần cùng kỳ), khách đến từ châu Mỹ là 396.000 lượt (gấp 8 lần cùng kỳ), khách đến từ châu Úc hơn 172.000 lượt (gấp 9,7 lần cùng kỳ).
Về thị trường nội địa, trong tháng 5/2023, ngành du lịch phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa (trong đó có 8,3 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng số khách nội địa trong 5 tháng đạt 50,5 triệu lượt. Lượng khách nội địa đang tăng do đã bước vào mùa cao điểm du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 267,2 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn với báo chí, truyền thông nước ngoài, góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Trong đó, Cát Bà (Hải Phòng) đứng thứ 2 trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á vừa được chuyên trang về du lịch của Microsoft đề xuất. Ninh Bình được tạp chí Forbes (Mỹ) xếp hạng là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới năm 2023; chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đề xuất là 1 trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tuyệt vời nhất thế giới năm 2023.
Chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet cũng vừa gọi tên tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới, khởi hành từ thủ đô Hà Nội và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh với quãng đường khoảng 1.730km. Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas liên tục tôn vinh nhiều món ăn Việt Nam trong các danh sách món ngon của thế giới,…
Thực tế cho thấy, ngành Du lịch Việt Nam cần có những giải pháp đột phá để có nhiều sản phẩm du lịch với giá cả phù hợp để vừa bảo đảm tăng trưởng số lượng du khách, vừa thu hút được dòng khách quốc tế hạng sang-có mức chi tiêu cao đến với Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) tại thời điểm trước dịch Covid-19, chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam là 930 USD/người. Con số này rất thấp nếu so với chi tiêu tương ứng tại Indonesia (1.225 USD); Philippines (1.252 USD) và nhất là Thái Lan (1.695 USD)…
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sản phẩm du lịch của Việt Nam hiện nay chưa bắt kịp xu thế thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hóa. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm; chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có sẵn mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần..., vì vậy ít nhiều thiếu sức thu hút du khách quốc tế
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ phát triển cho một số sản phẩm du lịch mới, có khả năng thu hút du khách quốc tế hạng sang như du lịch golf. Ngoài ra, du lịch tàu biển cũng là loại hình Việt Nam cần chú trọng thời gian tới để thu hút du khách quốc tế hạng sang. Bên cạnh đó, để hút dòng khách quốc tế cao cấp, ngành du lịch cần có chính sách tăng cường khai thác đối tượng khách du lịch đến Việt Nam thông qua các sự kiện ngoại giao, thương mại, kinh tế đầu tư, hội chợ, hội nghị, các sự kiện thể thao và văn hóa mang tầm quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức…
Du lịch tàu biển cũng là loại hình Việt Nam cần chú trọng thời gian tới để thu hút du khách quốc tế.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững Nghị quyết đề ra nhiều nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới theo phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện"....
Chính phủ yêu cầu Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa). Đánh giá, tổng kết chính sách cấp thị thực điện tử, nghiên cứu mở rộng diện được cấp thị thực điện tử để báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hướng bảo đảm tính thống nhất về quy định cấp thị thực điện tử và thị thực truyền thống và kéo dài thời gian tạm trú cho người nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam: Rà soát Hiệp định về hàng không đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ để thúc đẩy triển khai và tạo thuận lợi hơn nữa cho các hãng hàng không quốc tế mở đường bay đến Việt Nam và đến địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam. Nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam, trọng tâm là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; phát triển loại hình "thuê chuyến" phục vụ du lịch. Hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay mới từ các tỉnh, thành phố trung tâm đến các tỉnh, thành địa phương đang có sân bay nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận các địa phương...
Lê Hân
Bình luận