Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ bảy, 29/10/2022 10:10
TMO - Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu trên, ngành gỗ phải đảm bảo 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp, phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt gần 15 tỷ USD bất chấp đại dịch Covid-19, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới. Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ đô la Mỹ.
Để đạt được mục tiêu này, ngành gỗ cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó cần tạo ra các chuỗi giá trị từ khâu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho tới khâu xuất khẩu. Đồng thời, cần xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp.
Cả nước hiện có gần 14.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc và các sản phẩm khác từ gỗ với quy mô khác nhau, tạo ra hơn 500.000 việc làm dài hạn cho người lao động. Bên cạnh đó, gỗ rừng trồng, đặc biệt là nguồn gỗ của hơn 1 triệu hộ gia đình, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp gỗ sạch và hợp pháp. Vì thế, vai trò của các doanh nghiệp trồng rừng lấy gỗ (phối hợp với các hộ gia đình) và chế biến gỗ ngày càng quan trọng hơn nếu muốn đảm bảo chất lượng nguồn cung ứng gỗ.
Việc thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, góp phần thúc đẩy thị trường chế biến, xuất khẩu tiêu thụ gỗ thuận lợi. Ảnh: Vũ Sinh
EU là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 tỉ đô la Mỹ, chiếm 9,2 % thị phần xuất khẩu. Trong đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (gọi tắt là VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU đang góp phần thúc đẩy quá trình hình thành chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và bền vững, thông qua việc hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, tiến tới cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Hiệp định được EU phê chuẩn vào ngày 15/4/2019 và Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào ngày 23/4/2019 tại Nghị quyết số 25/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2019. Với 27 Điều và 9 Phụ lục kỹ thuật, Hiệp định quy định ràng buộc về mặt pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.
Việc ký kết tham gia Hiệp định khẳng định nỗ lực và thể hiện thái độ nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực thi các quy ước quốc tế nói chung, tạo cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn... Tham gia VPA/FLEGT là điều kiện bắt buộc nhằm đáp ứng quy định về gỗ hợp pháp của EU và các thị trường khác có quy định tương tự như Mỹ, Australia, Nhật, Hàn Quốc nhằm tăng cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Tại Diễn đàn "Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam" vừa được tổ chức tại Bình Dương, nhiều ý kiến nhấn mạnh việc nỗ lực tạo ra môi trường thúc đẩy quản trị rừng tốt để việc truy xuất nguồn gốc gỗ và thương mại bền vững trong quá trình triển khai hệ thống trách nhiệm giải trình và tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế được thuận lợi; chú trọng duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường những năng lực cần thiết, trong đó, có nhiệm vụ số hóa là rất quan trọng để có thể bảo đảm việc giám sát thương mại gỗ và thực thi pháp luật.
Trần Hoàng
Bình luận