Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ sáu, 08/03/2024 14:03
TMO - UBND tỉnh Ninh Thuận giao các Sở, ngành, địa phương liên quan rà soát các dự án du lịch vướng mắc pháp lý, để có hướng tháo gỡ qua đó thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.
Tính đến đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 56 dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương, chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 52.496 tỷ đồng. Trong đó, có 23 dự án đã đưa vào hoạt động, 20 dự án đang triển khai thi công và 13 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, vẫn còn một số dự án du lịch động lực, trọng điểm còn chậm triển khai, chưa đáp ứng tiến độ đề ra; một số dự án đang triển khai gặp khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu gặp khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng…
Trong đó, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ, được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận đầu tư năm 2011, sau nhiều lần cấp đổi chứng nhận đầu tư, dự án này được gia hạn tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng trước tháng 6/2020 nhưng ngừng thi công hơn 4 năm nay. Năm 2022, chủ đầu tư dự án bị phạt 70 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng có kết luận thanh tra dự án này chậm tiến độ sử dụng đất 16 tháng.
Ngoài ra, dự án Ninh Chữ Sailing Bay, được UBND tỉnh Ninh Thuận cấp chứng nhận đầu tư năm 2008, và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vào năm 2020, với tổng số vốn gần 2.390 tỷ đồng, tiến độ thực hiện 36 tháng. Tuy nhiên, dự án này đã dừng thi công từ giữa năm 2022. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết dự án này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tiến độ vào năm 2019, nhưng tiếp tục vi phạm chậm tiến độ nên thuộc trường hợp ngừng hoạt động theo Luật Đầu tư.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao các Sở, ngành, địa phương liên quan rà soát các dự án du lịch vướng mắc pháp lý, để có hướng tháo gỡ.
Ngoài 2 dự án trên, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn 8 dự án du lịch khác chậm tiến độ. Những dự án này cũng có khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng… cần hỗ trợ tháo gỡ, đôn đốc tiến độ. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý đối với những dự án vi phạm tiến độ về đất đai. Đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án dự chưa được giao đất, giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị, các cơ quan chức năng trong quá trình rà soát nếu thấy đủ điều kiện thì cho ngừng hoạt động dự án Ninh Chữ Sailing Bay và Khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia - Ninh Chữ và báo cáo UBND tỉnh để có bước xử lý tiếp theo. Đồng thời đề xuất các phương án cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về các thủ tục cho các dự án để triển khai kịp thời.
Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đến tỉnh ước đạt 2.900.000 lượt khách (tăng 20,8% so cùng kỳ, đạt 107,4% so với kế hoạch); trong đó, khách quốc tế ước đạt 40.000 lượt khách (tăng 239% so cùng kỳ, đạt 200% so với kế hoạch), khách nội địa ước đạt 2.860.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 3.200.000 lượt khách, trong đó: khách nội địa đạt 3.100.000 lượt khách, khách quốc tế đạt 100.000 lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 2.500 tỷ đồng; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, khẳng định thương hiệu và có sức cạnh tranh cao trong khu vực.
Năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 3.200.000 lượt khách du lịch. Ảnh: NT.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong năm 2024 UBND tỉnh tiếp tục chú trọng, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như: Công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; Công tác đa dạng hoá các sản phẩm du lịch; Công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư và du lịch; Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với du lịc; Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Công tác xây dựng môi trường du lịch thân thiện và hấp dẫn; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; Đẩy mạnh việc liên kết hợp tác phát triển du lịch với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch; Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đối với Công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch: tập trung công tác tham mưu Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và Tờ trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2040; Quyết định các Đồ án Quy hoạch phân khu Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ đến năm 2040,…; tham mưu Quyết định lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klông Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030; triển khai Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo tuyến đường ven biển và các tuyến đường kết nối đến các dự án, khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án được thuận lợi. Hoàn thành, trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Thành Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến, kêu gọi đầu tư khi đảm bảo điều kiện. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng Dự án khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt.
Tổ chức khảo sát, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch; phát triển hệ thống dịch vụ du lịch như đẩy mạnh khai thác các giá trị tài nguyên phát triển du lịch, trong đó tăng cường khai thác du lịch cộng đồng tại Bác Ái đưa vào hoạt động hiệu quả, tăng sự trải nghiệm cho khách du lịch, liên kết kết nối các điểm, tour du lịch mới trong tỉnh, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, nhằm phát huy hết sự đa dạng cũng như thế mạnh về sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái kết hợp sự đa dạng giữa du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn,... của địa phương có sự lồng ghép ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao phục vụ cho công tác phát triển du lịch.
Tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư và du lịch thông qua các hoạt động, sự kiện như: tổ chức đón Đoàn Doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc khảo sát sản phẩm du lịch Ninh Thuận năm 2024; tổ chức Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024; tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, tổ chức Lễ hội Katê năm 2024; tham gia Hội chợ du lịch các tỉnh, thành phố; tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận; tổ chức Ngày quốc tế Yoga năm 2024 tại Ninh Thuận; Lễ hội Ẩm thực Ninh Thuận,... thu hút du khách trong nước và quốc tế tới Ninh Thuận, góp phần tăng trưởng khách bền vững.
Tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch đã được cấp phép trong quý I/2024; tiếp tục triển khai hiệu quả đẩy nhanh tiến độ 22 dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương phối hợp theo dõi, giám sát tiến độ, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đưa dự án vào hoạt động bảo đảm tiến độ được duyệt; tập trung thúc đẩy các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh đưa vào khai thác và đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án như: dự án Sunbay Park Hotel & Resort tòa B và tòa C, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hõm, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, dự án Khu du lịch Bình Tiên,... góp phần tăng năng lực cơ sở lưu trú du lịch, xây dựng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ, chương trình du lịch hấp dẫn, mới lạ thu hút và giữ chân du khách khi đến Ninh Thuận.
Hải Hà
Bình luận