Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ sáu, 03/11/2023 13:11
TMO - Khai thác công trình thủy lợi hiện nay đối diện với khó khăn khi những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Việc triển khai các giải pháp tháo gỡ góp phần phát huy vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Thông tin từ Cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, cả nước hiện có 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50 ngàn m3; 27.754 cống; 16.057 đập tạm; 291.000 km kênh mương các loại (trong đó có 82.744 km kênh mương đã được kiên cố). Hệ thống công trình thủy lợi cũng đang đảm bảo nhiệm vụ cấp và tiêu thoát nước cho hàng triệu ha đất nông nghiệp, đô thị...
Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo phục vụ sinh hoạt, cấp nước cho các ngành kinh tế. Cùng với đó, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại sản phẩm nông nghiệp khác, góp phần cải tạo môi trường sinh thái, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Cụ thể, công trình thủy lợi đã đảm bảo cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới (chiếm 68,48%). Trong đó, hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,53 triệu ha/3,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất. Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước cho khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, đô thị, kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp, kết hợp phát điện với tổng cộng suất 2.100 MW (trong đó: thuỷ điện công suất 800MW, điện mặt trời công suất 1500 MW).
Theo tổng hợp, tổng số lao động của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi là gần 27.000 người. Hầu hết lao động đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, chỉ còn lại một số ít chưa qua lớp đào tạo quản lý khai thác. Đến nay, cả nước có 101 đơn vị khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 85 công ty TNHH MTV, sáu ban, bảy trung tâm và ba chi cục thủy lợi làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vừa và lớn do nhà nước đầu tư xây dựng.
Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ cũng như nỗ lực của các địa phương, phần lớn các hồ chứa lớn có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên đã được sửa chữa đảm bảo an toàn. Từ năm 2003 đến nay, đã sửa chữa được khoảng 1.500 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống công trình thuỷ lợi hiện nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo báo cáo của các địa phương và kiểm tra rà soát của Cục Thuỷ lợi, cả nước còn 337 hồ chứa bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp. Bộ NN&PTNT đã khái quát một số vấn đề về công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi và định hướng trong thời gian tới. Bộ Tài chính cũng đã thông tin kết quả thực hiện chính sách về giá, hỗ trợ tài chính, cơ chế, phương thức quản lý khai thác công trình thuỷ lợi…
Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường sinh thái, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, việc thực thi Luật Thủy lợi và các quy định trong quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi ở nhiều địa phương chưa triệt để, toàn diện, dẫn đến nhiều chính sách, quy định chưa được thực thi đầy đủ, nhiều hành vi vi phạm, xâm hại công trình thuỷ lợi chưa được xử lý kịp thời, đúng mức.
Cục Thủy lợi cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhưng kết quả đạt được rất hạn chế, quy định chưa phù hợp, thủ tục rườm rà. Trong đó, một số địa phương như: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Dương, Long An... xây dựng phương án giá từ năm 2019 nhưng đến nay chưa được ban hành, thủ tục hành chính phức tạp. Ngoài ra, quy định về quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi nói riêng và quản lý tài sản công nói chung chưa rõ ràng, thống nhất với quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp liên doanh, liên kết khai thác, sử dụng tài sản công hiệu quả.
Hiện nay, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi. Việc này dẫn tới một số tồn tại cho hoạt động của đơn vị khai thác như: Các đơn vị phải ưu tiên bảo đảm nội dung chi cần thiết, cấp bách nên công trình không được bảo trì kịp thời. Trong đó, đời sống người lao động làm việc tại các đơn vị khai thác thủy lợi gặp nhiều khó khăn. Một số đơn vị không có quỹ quỹ khen thưởng phúc lợi hoặc có nhưng ở mức thấp do không được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ, trong khi ngân sách địa phương không bố trí.
Cục Thủy lợi cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, rà soát, hoàn thiện lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức để phục vụ cho công tác xây dựng giá dịch vụ thủy lợi sau này.
Để tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trên, Bộ NN&PTNT cho rằng các đơn vị trong Bộ NN&PTNT phải chủ động tham mưu, đề xuất. Trong đó, Cục Thủy lợi phải chủ trì, phối hợp với các cục, vụ thuộc Bộ Tài chính để sửa đổi các quy định còn bất cập, cụ thể, đến đầu quý II/2024 phải thực hiện sửa đổi xong Nghị định 96/2018/NĐ-CP; đối với các Nghị định 129/2017/NĐ-CP, 32/2019/NĐ-CP và 114/2018/NĐ-CP cần tiếp tục đề xuất sửa đổi.
Đồng thời, Cục Thủy lợi nghiên cứu đề xuất với lãnh đạo bộ để trình Thủ tướng ban hành văn bản về nâng cao năng lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các công ty khai thác công trình thủy lợi, trong đó, đề nghị phải có sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương và bản thân các công ty để cùng giải quyết nhưng khó khăn đang đặt ra. Cục Thủy lợi cần khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, rà soát, hoàn thiện lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức để phục vụ cho công tác xây dựng giá dịch vụ thủy lợi sau này.
Bộ Tài Chính trình với Chính phủ quy định tính giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo hướng tính đúng, tính đủ và mở; hướng dẫn chi tiết việc thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo cơ chế đặt hàng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng chính sách tiền lương, tiền công, chế độ ăn ca, quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động để bảo đảm thống nhất trong các đơn vị trực thuộc Bộ; cần có cơ chế chính sách lương, thưởng để khuyến khích người quản lý doanh nghiệp khi doanh thu của đơn vị tăng hằng năm…
Nguyễn Nga
Bình luận