Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ năm, 28/09/2023 08:09
TMO - Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; chủ động di dời, sơ tán người dân khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Do ảnh hưởng của rìa phía bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với Áp thấp nhiệt đới nên từ ngày 25/9 đến chiều ngày 27/9/2023 (tính đến 13h00 ngày 27/9/2023) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến đo được từ 150-200mm; một số nơi đo được lượng mưa lớn nhất như: Trạm khí tượng Như Xuân (huyện Như Thanh) 281,6 mm; Trạm khí tượng Tĩnh Gia (thị xã Nghi Sơn) 276,3 mm; Trạm khí tượng Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn) 247 mm; Trạm thủy văn Lèn (huyện Hà Trung) và Trạm khí tượng Yên Định (huyện Yên Định) 239 mm.
Mưa lớn đã gây ra một đợt lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, trong đó mực nước sông Yên tại Trạm thủy văn Chuối (huyện Nông Cống) đã đạt mức BĐ1 (+2.00) m vào khoảng 11h00 ngày 27/9/2023; Tính đến 13h00 ngày 27/9/2023, mực nước các sông khác như: sông Cầu Chày (tại Trạm thủy văn Xuân Vinh) đạt (+7.49) m, dưới BĐ1 0,51m; sông Chu (tại thủy văn Bái Thượng) đạt (+14.58) m, dưới BĐ1 0,42 m và đang có xu hướng tiếp tục lên.
Mưa lớn gây ngập sâu tại đường Tràn Ná Cà 2Km 23+600/ĐT.520B xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa về tình hình thiệt hại và công tác triển khai, ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh tính đến cuối ngày 27/9, mưa lớn đã gây ra nhiều thiệt hại tại trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trên các tuyến quốc lộ uỷ thác do tỉnh quản lý: mưa lớn đã gây sạt taluy dương tại 3 vị trí với khối lượng khoảng 950m3 trên tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 217; xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với chiều dài khoảng 40m3; sa bồi mặt đường đường tại 8 vị trí trên tuyến quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 70m3... Trên các tuyến đường tỉnh: Có 12 vị trí taluy dương bị sạt với khối lượng khoảng 650m3; xói lở mặt đường tại 2 vị trí trên tuyến đường tỉnh 520B với chiều dài khoảng 100m; sa bồi mặt đường tại 50 vị trí với khối lượng khoảng 320m3; xói lở lề đường tại 21 vị trí trên các tuyến đường tỉnh 523B và 516.
Về nông nghiệp: Mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ một số diện tích cây trồng, cụ thể: Tổng diện tích lúa đang bị ngập 2/3 thân cây khoảng 891,6 ha; trong đó: huyện Thạch Thành 97,5 ha; huyện Vĩnh Lộc 1,5 ha; huyện Ngọc Lặc 25,4 ha; huyện Như Thanh 2,15 ha; huyện Cẩm Thuỷ 19,4 ha; huyện Hà Trung 650 ha; huyện Như Xuân 55 ha; huyện Thường Xuân 40,65 ha. Tổng diện tích rau màu và các cây trồng khác bị ngập khoảng 520,69 ha; trong đó: huyện Hoằng Hoá 65 ha; huyện Vĩnh Lộc 152,94 ha; huyện Ngọc Lặc 36,3 ha; huyện Như Thanh 45,5 ha; huyện Nông Cống 61 ha; huyện Cẩm Thuỷ 132 ha; huyện Thường Xuân 27,95 ha. Ngoài ta, có hơn 17 ha diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản bị ngập. Toàn tỉnh có 20 hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, sạt lở đất (tại huyện Thường Xuân); sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn với chiều dài 10m và 230 m tường rào bị đổ tại huyện Như Thanh.
Sạt lở đất đe dọa nhiều nhà dân trên địa bàn huyện Thường Xuân. Ảnh: BCL.
Hiện, các địa phương đang tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân. Hiện nay, toàn tỉnh đang vận hành 21 trạm bơm tiêu và các cống tiêu tự chảy đảm bảo tiêu úng cho các khu vực ngập lụt; huyện Đông Sơn tổ chức xử lý xong đối với sự cố sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh.
Dự báo hôm nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tiếp tục thực hiện nghiêm nội dung các Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh số 07/CĐ-UBND ngày 14/7/2023 về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ; số 10/CĐ-UBND ngày 17/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Triển khai phương án tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực đô thị, khu công nghiệp, vùng trũng thấp; khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch; khơi thông dòng chảy, nhất là trên các suối, khe cạn khu vực miền núi, không để xảy ra lũ nghẽn dòng. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư bãi sông, ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông khi xảy ra mưa lớn. Tổ chức kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công dở dang; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, các trọng điểm xung yếu, các tuyến đê đang thi công dở dang, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê khi xảy ra sự cố; thực hiện việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo quy định. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của mưa lũ.
Nhiều đập tràn trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa bị ngập, chia cắt nhiều thôn, bản tại tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: PN.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành liên quan. Các Sở, ngành, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai công tác ứng phó mưa lớn theo quy định; đồng thời sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn khiến mực nước trên các sông dâng cao, nhiều huyện tại hai địa phương này bị ngập lụt, sạt lở, chia cắt.
Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An, toàn tỉnh có 1.178 nhà bị ngập. Có 10 nhà ở huyện Quế Phong bị cô lập, 2 nhà ở tạm ở huyện Tương Dương và Quế Phong bị sập hoàn toàn. Ngoài ra, toàn tỉnh có 54 nhà bị ảnh hưởng do mưa lũ. Mưa lớn cũng gây thiệt hại hàng nghìn héc-ta hoa màu, hàng trăm con gia súc, gia cầm. Tại Hà Tĩnh, mưa lớn dài ngày khiến nền đất bị yếu, một khối lượng đất đá, cây cối trên vách núi cao đã đổ ập xuống tuyến QL8A, khiến giao thông lên Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) bị chia cắt. Ngoài ra, trên tuyến QL8A đoạn lên cửa khẩu Cầu Treo có một số điểm đất, đá trượt xuống đường khiến phương tiện không thể qua lại...
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai vừa có Văn bản số 362/VPTT đề nghị các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía bắc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất.
Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra...
Đình Sơn
Bình luận