Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ hai, 05/08/2024 08:08
TMO - Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, bắt đầu từ ngày 4/8/2024 hai chương trình tham quan Tháp Bà Ponagar về đêm sẽ được ra mắt, đưa du khách trải nghiệm thực tế về văn hoá, nghệ thuật dân gian truyền thống của người Chăm.
Theo đó, hai chương trình tham quan Tháp Bà Ponagar về đêm là Linh thiêng xứ Trầm và Trăng soi dáng Tháp diễn ra lần lượt vào mùng 1 và ngày rằm âm lịch hàng tháng, bắt đầu từ 4/8/2024. Chương trình bắt đầu từ 19h30, người dân, du khách sẽ được hòa mình cùng những nghi lễ truyền thống, thưởng thức nghệ thuật Chăm đặc sắc với thời lượng khoảng 45-60 phút.
Tại chương trình, người dân và du khách được nghe thuyết minh, giới thiệu về khu đền tháp với những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc… và hòa mình trong những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, hay trải nghiệm với nghề thủ công truyền thống của người Chăm. Du khách không tham quan tự do mà theo lộ trình nhất định do ban tổ chức xây dựng, ấn định thành mạch chuyện xuyên suốt, vừa thuận tiện cho việc giới thiệu, giúp cho du khách dễ dàng cảm nhận được giá trị Tháp Bà Ponagar.
Tháp Bà Ponagar về đêm. Ảnh: BTQ.
Hai chương trình “Trăng soi dáng tháp” và “Linh thiêng xứ Trầm” được xem là một trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh Khánh Hòa, cũng như công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Cùng với đó, tạo sân chơi lành mạnh để người dân và du khách có những trải nghiệm thực tế về văn hoá, nghệ thuật dân gian truyền thống, tham gia trực tiếp vào công tác tuyên truyền, quảng bá để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bằng những hoạt động thực tiễn.
Tháp Bà Ponagar là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50m so với mực nước biển. Tổng thể kiến trúc của Ponagar gồm 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa. Ở tầng giữa gọi là Mandapa (tức là nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20m, rộng 15m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (bao gồm 10 cột lớn và 12 cột nhỏ).
Trên thân các cột lớn có các lỗ mộng, khoét sâu vào thân cột, đối xứng ngang bằng với đỉnh của các cột nhỏ. Trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử...Tầng trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23m, là tháp Ponagar.
Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần (cao 2,6m) tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương, và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.
Lễ hội Tháp Bà cũng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2012.
Tháp Bà Ponagar là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chăm. Kỹ thuật xây dựng giai đoạn từ thế kỷ thứ 8-13 đến nay vẫn là điều bí ẩn dù nhiều nhà nghiên cứu đã vào cuộc, nhiều công trình khoa học đã được thực hiện.
Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia. Vào những ngày lễ vía Bà hàng năm (từ 20 -23/3 Âm lịch), tháp Bà Ponagar đón hàng vạn khách du lịch hành hương cũng như người dân trong vùng về dự lễ hội nhằm để tưởng nhớ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu (người Chăm gọi là Po Inư Nagar), người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn, sinh sống. Lễ hội Tháp Bà cũng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2012.
Lê Diệp
Bình luận