Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 03:11
Thứ năm, 21/03/2024 07:03
TMO - Triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên đang ưu tiên mời gọi đầu tư vào 199 dự án, trong đó 43 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu là đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Trong số 43 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp thì có 7 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, công nghệ thông tin tập trung. Đáng chú ý có một số dự án đầu tư hạ tầng quy mô rất lớn như: Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên, trên địa bàn các xã Minh Đức, Phúc Thuận và phường Bắc Sơn (TP. Phổ Yên) có diện tích 868ha; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình 2 nằm trên địa bàn TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình với diện tích 301ha; Dự án hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình 3, diện tích 300ha tại huyện Phú Bình.
Các dự án này đều ưu tiên thu hút đầu tư sản phẩm điện tử và công nghiệp (CN) phụ trợ. Ngoài ra, còn có Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 200ha tại TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình, thu hút đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ thông tin kết hợp sản xuất IT công nghệ cao, dịch vụ logistics, vui chơi giải trí, mô hình đô thị sinh thái...
Thi công hạ tầng Cụm công nghiệp Hạnh Phúc-Xuân Phương (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).
36 dự án còn lại chủ yếu mời gọi đầu tư vào các cụm CN, trong đó có 19 dự án đầu tư hạ tầng và 17 dự án thứ cấp mời gọi đầu tư vào các cụm CN đã có chủ đầu tư hạ tầng. Trong số các dự án đầu tư hạ tầng có tới 9 dự án cụm CN có quy mô từ 70ha trở lên, số còn lại thấp nhất cũng từ 20ha trở lên.
Đáng chú ý là các dự án: Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Cụm CN Lương Sơn 2 (TP. Sông Công) diện tích 75ha; Dự án hạ tầng Cụm CN Tích Lương (TP. Thái Nguyên), diện tích 72ha; Dự án hạ tầng Cụm CN Hà Châu 1 và Hà Châu 2 (Phú Bình) với diện tích mỗi cụm CN trên 70ha. Các dự án này đều hướng đến thu hút những ngành nghề CN công nghệ cao, công nghệ chế tạo, linh kiện điện tử, CN hỗ trợ, may mặc và các ngành nghề CN, tiểu thủ CN khác thân thiện với môi trường…
Địa phương này đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư có uy tín và đủ năng lực tài chính; ưu tiên mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm CN; tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về CN chế tạo, điện tử, bán dẫn, chú trọng thu hút đầu tư vào các khu, cụm CN mới thành lập. Tỉnh đã xây dựng và đang triển khai thực hiện các giải pháp mang tính đồng bộ, đột phá, như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn thuộc Liên minh Châu Âu, các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Trung Quốc, Thái Lan...
Cùng với đó là quan tâm cập nhật và lan tỏa hình ảnh tiềm năng, thế mạnh đầu tư của tỉnh; số hóa việc giới thiệu về các định hướng, cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư, lao động, hạ tầng, giao thông, thông tin liên lạc... đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhà đầu tư. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các vướng mắc của nhà đầu tư; thúc đẩy hỗ trợ thủ tục hành chính, đào tạo lao động, hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư. Định kỳ xây dựng và công bố rộng rãi danh mục các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu, cụm CN, giao thông để thúc đẩy hoạt động đầu tư...
Thái Nguyên tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về CN chế tạo, điện tử, bán dẫn...
Tận dụng ưu thế của cụm công nghiệp có vốn đầu tư hạ tầng, quy mô không lớn như khu công nghiệp, giải quyết khó khăn về mặt bằng kinh doanh, sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên tích cực mời gọi nhà đầu tư, tạo thuận lợi phát triển cụm công nghiệp. Đến nay tỉnh có 21 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng số vốn gần 5.800 tỷ đồng, trong đó có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 60 dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký hơn 8.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 11 nghìn lao động, chủ yếu là người địa phương, góp phần tăng thu ngân sách.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 về tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp tại các địa phương phía nam tỉnh, quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt với 41 cụm công nghiệp, tổng diện tích gần 2.100 ha. Sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt, đến nay hơn 10 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư và đang khẩn trương triển khai xây dựng hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Riêng tại huyện Phú Bình có 6 cụm công nghiệp mới được thành lập với tổng diện tích gần 400 ha và có chủ đầu tư hạ tầng với tổng số vốn hơn 4.000 tỷ đồng.
Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2024 đặt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực, có tiềm lực tài chính đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh; mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn... Thu hút đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiệp mới được thành lập của địa phương. Cùng với đó, ưu tiên mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin; cụm công nghiệp; dịch vụ; khu đô thị, khu dân cư; môi trường; văn hóa xã hội.
Nguyễn Mai
Bình luận