Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 22:01
Thứ hai, 28/02/2022 14:02
TMO - Trong các năm vừa qua, phong trào trồng rừng sản xuất tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa phát triển, bước đầu giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp triển khai xây dựng hàng chục mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn trên địa bàn các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành, Lang Chánh, Thường Xuân...
Đến tháng 2/2022, tỉnh Thanh Hóa đã có tổng diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn 56.000 ha. Các loài cây trồng chủ yếu là keo tai tượng Úc, trẩu, xoan ta, lim xanh, lát hoa,... đã và đang được chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt. Nhờ tích cực trồng và bảo vệ rừng, người dân trong vùng có thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Nhiều hộ trong vùng đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại nông lâm kết hợp, cho thu nhập khá cao.
Tuy nhiên, phát triển rừng gỗ lớn với quy mô lớn tại Thanh Hóa hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Khu vực miền núi hạ tầng giao thông xuống cấp, cản trở việc thu hút vốn đầu tư. Thực tế cho thấy, việc tuyển chọn các loài cây thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau còn chưa đa dạng. Hiện tại, keo tai tượng vẫn là loài cây chủ lực được lựa chọn với tỷ lệ trồng khoảng 70% diện tích, còn lại là một số loài như xoan ta, mỡ, lát hoa, lim xanh, sao đen...
Diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là rừng keo
Bên cạnh đó, số cơ sở chế biến sản phẩm gỗ tinh chưa nhiều, tỷ lệ sử dụng gỗ rừng trồng chưa cao, công nghệ chế biến còn lạc hậu và chậm được chuyển đổi. Thiên tai bão lũ, khô hạn kéo dài... tiềm ẩn nguy cơ thất thiệt cho người làm nghề rừng.
Với phương châm diện tích rừng trồng gỗ lớn đến kỳ cho khai thác theo quy định sẽ được chủ rừng trồng bổ sung diện tích rừng gỗ lớn mới; đồng thời thực hiện mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn quy mô khoảng 56.000 ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch cho đến tổ chức trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến lâm sản.
Cán bộ kiểm lâm tỉnh hướng dẫn người dân kiểm tra sự phát triển của rừng trồng
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí quỹ đất phát triển vùng kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng. Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh rừng gỗ lớn; chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn; quy định tiêu chuẩn chất lượng cây giống trồng gỗ lớn; xác định cơ cấu cây trồng gỗ lớn.
Thực hiện các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu, hội nhập sâu vào thị trường lâm sản quốc tế, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 8.000 ha rừng gỗ trồng đã được Tổ chức Quản lý rừng bền vững quốc tế (GFA) cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, góp phần nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện về thể chế để nông dân, hộ gia đình liên kết cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm. Triển khai thực hiện các mô hình kinh doanh rừng bền vững hỗn giao giữa cây gỗ lớn với các loài cây chu kỳ kinh doanh ngắn để đảm bảo thu nhập trước mắt cho người dân.
Qua theo dõi đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy rừng trồng gỗ lớn đạt tốc độ tăng trưởng lớn nhất vào giai đoạn từ 10 đến 12 năm tuổi. Mô hình chuyển hóa rừng keo kinh doanh gỗ lớn tổng trữ lượng rừng bình quân dự kiến đạt 180 - 240m3/ha, doanh thu bình quân đạt khoảng 300 - 350 triệu đồng/ha/chu kỳ.
Trên cùng diện tích rừng, việc chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn kéo dài thêm khoảng từ 5 - 7 năm so với gỗ nhỏ nhưng giá trị kinh tế cao hơn gấp 2 đến 2,5 lần so với việc thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Ngoài ra, kinh doanh gỗ lớn giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, góp phần giảm xói mòn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu...
Hoàng Ngân
Bình luận