Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 17:11
Chủ nhật, 11/06/2023 06:06
TMO - Khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế-xã hội, nhất là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản tại tỉnh Tuyên Quang.
Khoa học và công nghệ được xem là giải pháp tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2013-2023, tỉnh Tuyên Quang đã có 172 đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia được tổ chức triển khai thực hiện. Các đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động nghiên cứu khoa học còn đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân (Yên Sơn); trà đậu đen xanh lòng, bánh gai, lạc Chiêm Hóa; chè xanh Trung Long (Sơn Dương), chè Shan (Na Hang)...; đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”; xây dựng và phát triển nhãn hiệu Vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên); lựa chọn được giống lạc đặc sản L14 phù hợp với địa bàn huyện Chiêm Hóa; thay thế, thâm canh một số giống chè mới có năng suất, chất lượng cao gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhân giống trâu ngố, cá Anh Vũ đặc sản quý hiếm bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo...
Trong các giải pháp xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang xác định phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ và cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp… và các doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) tác có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc liên kết các hộ dân đầu tư sản xuất áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ngành Nông nghiệp tỉnh xác định chuyển đổi số phải bền vững, theo đó tập trung ưu tiên xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng; kết nối nông nghiệp thông minh có quy mô vùng chuyên canh, sản xuất quy mô công nghiệp. Tỉnh cũng đẩy mạnh hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.
Tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Tuyên Quang hiện có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT (sử dụng hệ thống cảm biến, máy ảnh và các thiết bị khác giúp người nông dân có được những thông tin chính xác nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp); công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử…
Bên cạnh việc đẩy mạnh dán mã QR, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tỉnh cũng xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản, đồng thời triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 128 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trong đó có 33 sản phẩm 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao. Nhờ sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao hình thành, một số sản phẩm nông nghiệp xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Công tác nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học, vi sinh và giống cây trồng, vật nuôi đã góp phần phục vụ yêu cầu nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được xem là giải pháp then chốt, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, đặc biệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, những sản phẩm đã ứng dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghiệp số trong nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng thí điểm mô hình sản xuất kết nối nông nghiệp thông minh, quản lý theo chuỗi, kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; ứng dụng IoT để hỗ trợ theo dõi, giám sát và hỗ trợ tự động hóa quá trình canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Thu Trang
Bình luận