Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ ba, 16/01/2024 13:01
TMO - Năm 2024, ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa. Để đạt được mục tiêu này, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá sẽ được tăng cường hơn nữa nhằm tạo động lực cho tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2023 du lịch Việt Nam đã đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng. Với sự bứt tốc ấn tượng của ngành Du lịch từ cuối năm 2023, đặc biệt là những tín hiệu khởi sắc trong đầu năm mới 2024, du lịch Việt Nam có thể đạt được chỉ tiêu đề ra, phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước dịch Covid-19.
Trong năm qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước và trên các nền tảng số. Mở rộng sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại các sự kiện du lịch quốc tế. Cụ thể, đối với công tác xúc tiến tại nước ngoài, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mê Công 2023 (tại Campuchia), Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2023 và Hội chợ TRAVEX (tại Indonesia). Đặc biệt là đã tổ chức đoàn tham dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin tại Đức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định quyết tâm mở rộng sự hiện diện của du lịch Việt Nam ở sự kiện du lịch vào hàng lớn nhất thế giới và hội nhập với xu hướng phục hồi du lịch toàn cầu.
Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham gia ASEAN - EXPO 2023 (Trung Quốc); Tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Tokyo (Nhật Bản), Lễ hội xúc tiến văn hoá, du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc 2023; Tham dự sự kiện du lịch và thể thao thuộc hành lang kinh tế Đông Tây; Hội nghị ngành du lịch thế giới lần thứ 2 (Hàn Quốc); Hội thảo xúc tiến, kết nối du lịch Việt Nam - Nhật Bản (Osaka, Nhật Bản); Lễ hội xúc tiến du lịch, văn hoá Việt Nam tại Kanagawa (Nhật Bản)…
Năm 2023, Việt Nam đã đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế.
Trong nước, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE TP.Hồ Chí Minh… Nổi bật là tổ chức thành công Diễn đàn du lịch cấp cao “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” trong khuôn khổ hội chợ ITE TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác, kết nối với đối tác quốc tế tại các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, APEC...cũng được đẩy mạnh. Triển khai các hoạt động tăng cường hợp tác du lịch song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Italia, Australia…
Công tác truyền thông được triển khai mạnh mẽ trên các website và mạng xã hội của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Cùng với đó là hệ thống các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… nhằm lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam.
Lần đầu tiên Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã xây dựng và cho ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch nông thôn để tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh du lịch nông thôn, nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, thúc đẩy khai thác giá trị kinh tế của du lịch nông thôn.
Chương trình truyền thông trên YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” tiếp tục được Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) triển khai sản xuất các video clip nhằm quảng bá hình ảnh tươi đẹp của du lịch Việt Nam, lan tỏa động lực khám phá các điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Trong đó có video clip “Du lịch Golf - tận hưởng từng khoảnh khắc”; video clip “Kon Tum - Trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên”; video clip “Cần Thơ - Đô thị miền sông nước”.
Ngành Du lịch tăng cường, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch, hướng đến mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế.
Theo nhận định từ các chuyên gia, trong năm 2024, ngành Du lịch thế giới và Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, trong đó xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới. Đây là thách thức buộc các đơn vị kinh doanh du lịch phải thay đổi.
Trước tình hình trên, trong năm 2024 du lịch nước ta sẽ tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2024) và Hội chợ Travex - sự kiện lớn nhất trong hợp tác du lịch ASEAN. Tại sự kiện này, du lịch Việt Nam sẽ tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch mạnh mẽ, chính sách thị thực thông thoáng và điểm nhấn là Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024. Được biết, Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 sẽ do Lào đăng cai tổ chức tại thủ đô Vientiane từ ngày 22 – 27/1 với chủ đề “Du lịch chất lượng và có trách nhiệm – Bền vững tương lai ASEAN”.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ ITB tại Berlin (Đức), Hội chợ du lịch quốc tế tại Hàn Quốc, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ du lịch quốc tế Trung Quốc (CITM), Hội chợ du lịch thế giới (WTM)... Cùng với đó là các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nước ngoài, dự kiến tại Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ...Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đón các đoàn doanh nghiệp, báo chí, người có tầm ảnh hưởng quốc tế tại một số thị trường du lịch trọng điểm khảo sát du lịch, gồm các đoàn Famtrip, báo chí thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), ASEAN, châu Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới..., đòi hỏi việc quảng bá, xúc tiến cũng phải được đổi mới để phù hợp với thực tiễn.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...
Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam....
Thu Oanh
Bình luận