Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ hai, 23/05/2022 12:05
TMO - Hiện nay, nhu cầu khai thác đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng cao. Vì thế, tại quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tỉnh Hòa Bình đã bổ sung vào quy hoạch nhóm khoáng sản đất làm vật liệu xây dựng.
Theo báo cáo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 94 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản, tổng diện tích được cấp phép khai thác hơn 960 ha, trữ lượng khoảng hơn 357 triệu m3 đá vôi, đất, cát... Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Thời gian qua, tình trạng khai thác đất trái phép lợi dụng việc san gạt, hạ cốt nền mặt bằng vẫn diễn ra phổ biến tại các huyện Kim Bôi, Lương Sơn. Tình trạng các doanh nghiệp vận tải chở đất, đá gây ô nhiễm môi trường, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đang gây bức xúc cho người dân tại các địa phương.
Nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu xây dựng phục vụ san lấp mặt bằng tại tỉnh Hòa Bình ngày càng gia tăng. Ảnh: Minh Nguyễn
Theo thống kê từ cơ quan chức năng, nhu cầu về khối lượng đất san lấp trên địa bàn tỉnh và các Ban quản lý dự án xây dựng chuyên ngành, dự báo nhu cầu về đất san lấp cho toàn tỉnh đến năm 2040 khoảng 258,43 triệu m3, so với nhu cầu còn thiếu khoảng 33,28 triệu m3.
Nhằm tăng cường quản lý khai thác đất trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó có bổ sung các điểm mỏ đất. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2024, tỉnh tiếp tục quy hoạch 28 vị trí điểm khai thác mỏ vật liệu xây dựng với tổng diện tích 895,15 ha.
Trong đó, TP Hòa Bình 2 mỏ đất san lấp, diện tích hơn 70 ha, công suất khai thác khoảng 23,58 triệu m3; huyện Tân Lạc 4 điểm mỏ, diện tích hơn 45 ha, trữ lượng dự kiến 8,03 triệu m3; huyện Kim Bôi 2 điểm mỏ, diện tích 87,1 ha, trữ lượng khoảng hơn 20 triệu m3; huyện Lương Sơn 4 điểm mỏ, diện tích 169 ha, trữ lượng khai thác khoảng 52,16 triệu m3; huyện Đà Bắc 3 điểm mỏ, diện tích 142,8 ha, trữ lượng khai thác 47,76 triệu m3; huyện Mai Châu 1 điểm mỏ, diện tích 29,03 ha, trữ lượng khai thác 5,81 triệu m3.
Việc quy hoạch các điểm khai thác mỏ đất được tỉnh Hòa Bình chú trọng nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này
Huyện Lạc Thủy 3 điểm mỏ, diện tích 125,7 ha, trữ lượng khai thác 25,03 triệu m3; huyện Yên Thủy 3 điểm mỏ, diện tích 118,6 ha, trữ lượng 26,92 triệu m3; huyện Cao Phong 3 điểm mỏ, diện tích 37,5 ha, trữ lượng khoảng 8,96 triệu m3; huyện Lạc Sơn 3 điểm mỏ, diện tích gần 29 ha, trữ lượng khai thác hơn 6,8 triệu m3. Tổng trữ lượng đề xuất quy hoạch hơn 225 triệu m3.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc ban hành quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là rất cần thiết để thực hiện đúng quy định về Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch, góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, có cơ sở thực hiện các thủ tục đưa điểm mỏ đất phục vụ làm vật liệu san lấp vào thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác, chế biến khoáng sản. Trước thực tế nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp vào thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác chế biến là rất lớn và rất cần thiết.
Trước thực tế nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp vào thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác chế biến là rất lớn. Do vậy, công tác quản lý hoạt động khai thác nguồn tài nguyên này được tỉnh Hòa Bình chú trọng triển khai nhằm phát huy hiệu quả trong khai thác khoáng sản phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Minh Hòa
Bình luận