Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ tư, 29/06/2022 12:06
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị các địa phương tăng cường giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại các vị trí mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn, phục vụ cho việc khai thác vật liệu xây dựng, thi công dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28/6, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã chấp thuận 11 vị trí mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh.
Toàn bộ vị trí mỏ khoáng sản chủ yếu là đất san lấp, đá và cát xây dựng có tổng diện tích khoảng 170ha, thuộc địa bàn thành phố Bảo Lộc và các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lâm Hà. Theo đó, vị trí mỏ có diện tích lớn nhất tại xã Tân Hội (huyện Đức Trọng) với diện tích gần 20ha, mỏ có diện tích nhỏ nhất tại xã Ninh Gia (Đức Trọng) có diện tích 9ha.
Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương cần hơn 10 triệu mét khối nguyên vật liệu (Ảnh minh họa)
Trước đó, ngoài các điểm mỏ khai thác khoáng sản hiện hữu, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung cục bộ 8 điểm mỏ vào quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản chung của tỉnh và khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm cơ sở để cấp giấy phép, phục vụ xây dựng đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, để thi công dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương cần hơn 10 triệu mét khối nguyên vật liệu. Trong đó bao gồm hơn 8 triệu mét khối đất đắp K95 và K98, hơn 1,6 triệu mét khối đá các loại và hơn 50 ngàn mét khối cát xây dựng.
Sau khi cân đối giữa trữ lượng cấp phép khai thác khoáng sản tại các mỏ ở huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và TP Bảo Lộc, cơ quan chức năng xác định còn thiếu hơn 2 triệu mét khối đất san lấp để phục vụ dự án. Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài tuyến 73,64km là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 210km.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 96 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Trong đó, có tới 90 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp, 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (vàng, thiếc, cao lanh, đá ốp lát, bentonit).
Theo tính toán, tổng trữ lượng, công suất khai thác trên năm tại thời điểm cấp phép tại 4 địa phương Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đức Trọng, Di Linh như sau: Trữ lượng đá trên 53 triệu m3, công suất trên 1,7 triệu m3/năm; trữ lượng cát gần 1 triệu m3, công suất 72.500 m3/năm; trữ lượng đất san lấp trên 500.000 m3 với công suất 25.000 m3/năm.
Để chủ động, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng cho dự án Đường cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, Sở TN&MT cho biết đã đề xuất UBND tỉnh cho phép vận dụng Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính thủ để đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác của tổ chức để cung cấp đủ, kịp thời vật liệu xây dựng theo tiến độ dự án.
Đồng thời, lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản là nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án cao tốc khi có đề nghị và đủ điều kiện mà không phải thông báo 30 ngày để lựa chọn đơn vị cấp phép thăm dò.
Địa phương này tăng cường quản lý các mỏ khoáng sản phục vụ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho dự án đường cao tốc
Riêng đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, suối) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời gian khai thác thì được phép nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (nhưng không tăng trữ lượng cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường.
Đối với các mỏ đất đắp nền đường được phép nâng công suất theo nhu cầu của dự án đường cao tốc. Sau khi khai thác đủ số lượng cho dự án thì dừng việc nâng công suất...
Đối với dự án thành phần Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với 7 mỏ khoáng sản, vật liệu xây dựng và chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đảm bảo đủ điều kiện cấp phép khai thác sau khi cơ quan thẩm quyền phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Lê Hoàng
Bình luận