Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ bảy, 30/03/2024 06:03
TMO - Các sản phẩm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực, cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả.
Khu vực ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và phong phú gồm: biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có hơn 735 km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ... Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá mà hiếm vùng đất nào có được.
Chính những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc, da dạng và phong phú đã tạo nên bản sắc văn hóa của vùng miền Tây sông nước, góp phần làm nên sản phẩm du lịch đa dạng đặc thù, là điểm văn hóa đặc sắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, tổng số khách đến “vùng đất Chín rồng” đạt gần 45 triệu lượt, tăng 20,4% so cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so cùng kỳ 2022.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nổi bật, tuy nhiên du lịch tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn chưa phát huy thế mạnh, tiềm năng để thu hút đông du khách do sự liên kết giữa các địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia du lịch vùng chưa phát huy thế mạnh, tiềm năng để thu hút đông du khách do sự liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng với các vùng khác trong cả nước chưa chặt chẽ. Cùng với đó, sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, thiếu sản phẩm đặc thù của từng địa phương; công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế; khó khăn về hạ tầng trong xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù…
Thông tin tại hội thảo: “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch đồng bằng sông Cửu Long”, UBND thành phố Cần Thơ cho biết, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố.
Đến nay, Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định, Thanh Hóa… Việc mở rộng hợp tác góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng, với những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Thành phố cũng xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn…, từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng. Tuy nhiên, ngành Du lịch thành phố Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức, đó là sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về đặc thù của từng địa phương…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại vùng ĐBSCL: Sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế; các đường bay tới sân bay trong vùng nhiều hạn chế. Các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch trong vùng ĐBSCL phải được công nhận là điểm đạt chuẩn để cung cấp tới khách dịch vụ uy tín. Điều này đòi hỏi các cơ sở phải có hàng hóa rõ nguồn gốc, niêm yết và bán đúng giá, an toàn thực phẩm, nhân viên biết ngoại ngữ...
Việc hình thành trung tâm tinh hoa văn hóa ẩm thực miền Tây không chỉ góp phần làm mới sản phẩm du lịch cho cả vùng, còn giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng sông nước. Ẩm thực vùng ĐBSCL là sự giao thoa văn hóa giữa vùng miền, các nước lân cận, sẽ là những trải nghiệm thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, cần tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt, kết hợp du lịch với văn hóa, ẩm thực, thể thao, và lễ hội địa phương. Ít nhất trong một chương trình du lịch cũng nên kết nối các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc để tạo ra sự khác biệt, tăng sức hấp dẫn tránh đơn điệu, nhàm chán.
Các địa phương cần kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “Cluster - cụm ngành du lịch”.
Từ những hạn chế, tồn tại của du lịch vùng ĐBSCL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đề xuất tập trung 3 mũi đột phá trong triển khai thực hiện, bao gồm: Xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; tạo nguồn lực vật chất đầu tư; phát triển sản phẩm đặc thù và nguồn nhân lực du lịch vùng.
Trên cơ sở cụ thể hóa các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, Hiệp hội đề xuất thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL. Trong đó, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình và bước đi, đặc biệt là những vấn đề cần ưu tiên thực hiện giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, xúc tiến hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL, nhưng phải trên cơ sở gắn bó lợi ích thiết thực của các chủ thể liên quan (tổ chức, doanh nghiệp, người dân...) với lợi ích chung của ngành.
Đặc biệt, kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “Cluster - cụm ngành du lịch”. Tổ chức, cá nhân làm du lịch, các cơ quan truyền thông và công chúng tham gia xây dựng sản phẩm du lịch với cách tiếp cận đa ngành. Bên cạnh đó, cần có chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, kiến thức du lịch bản địa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tại các cụm - không gian du lịch vùng được xác định. Liên kết không gian du lịch và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng, cùng với hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch là các trụ cột của ngành “công nghiệp không khói” đang được kỳ vọng vượt qua thách thức để du lịch vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL không chỉ đòi hỏi sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, mà còn cần sự nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa và tự nhiên của khu vực. Việc phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn và phát triển bền vững, đảm bảo rằng các thế hệ tương lai cũng có thể trải nghiệm và học hỏi từ những điều kỳ diệu mà ĐBSCL mang lại.
Để làm được điều này, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Mỗi bên có vai trò riêng trong việc xây dựng một ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, từ việc tạo ra sản phẩm du lịch mới cho đến việc quảng bá và tiếp thị những sản phẩm này. Để thành công trong việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho ĐBSCL, chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng là yếu tố quan trọng nhất. Mỗi sản phẩm du lịch nên được thiết kế để mang lại cho khách hàng những kỷ niệm khó quên và kiến thức mới về một trong những khu vực sinh động và giàu bản sắc bật nhất Việt Nam.
Hải Đăng
Bình luận