Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ sáu, 04/10/2024 14:10
TMO - Tỉnh Hòa Bình xác định phát triển lâm nghiệp bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt. Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trong đó chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sau bão lũ.
Thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình, sau bão số 3 theo thống kê nhanh của các địa phương, tính đến ngày 23/9/2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có trên 1.200 ha rừng trồng tập trung bị thiệt hại, diện tích rừng bị thiệt hại chủ yếu là rừng trồng với các loài cây Keo, Bạch đàn, Mỡ, Trẩu, Bồ Đề... (bị gãy thân, đổ bật gốc, gãy cành), làm gia tăng vật liệu cháy, nguy cơ cháy rừng rất lớn khi thời tiết nắng nóng có thể sẽ diễn ra và kéo dài trong các tháng cuối năm 2024.
Để sớm khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra, hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng, cháy thực bì trong rừng, đặc biệt đối với phần diện tích rừng bị thiệt hại, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt là tại các địa phương có diện tích rừng bị thiệt hai do bão số 3, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
UBND cấp xã và các chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng, sử dụng rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với diện tích bị thiệt hại do bão số 3; huy động lực lượng thu gom vật liệu cháy để xử lý theo đúng quy định; bảo vệ nguyên trạng diện tích rừng từ ngân sách nhà nước (thuộc sở hữu toàn dân bị thiệt hại) khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phương án sử dụng rừng.
Đồng thời, có phương án sơ tán, di chuyển người dân, tài sản của nhân dân và của Nhà nước ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cháy rừng có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, của Nhà nước và có chính sách phù hợp, hiệu quả cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.
Các ngành chức năng phối hợp triển khai công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sau bão lũ.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng và người dân sống gần rừng. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân; nghiêm cấm những hành vi đốt nương, rẫy, đốt dọn thực bì sau khai thác hoặc các hành vi dùng lửa ở trong rừng, gần rừng khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra, canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cơ quan Kiểm lâm, chủ rừng rà soát các khu rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là những diện tích rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng do bão số 3. Có phương án phòng cháy rừng cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao. Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng theo quy định của pháp luật.
Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác phát hiện sớm lửa rừng và đảm bảo lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lớn, kéo dài trong nhiều ngày. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 05/01/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động phối hợp giữa Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Lữ đoàn 72 Binh chủng Công binh năm 2024. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần, dụng cụ chữa cháy sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp khi cháy rừng xảy ra.
Các Sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; khi nhận được lệnh điều động của cấp có thẩm quyền phải nhanh chóng điều động người, phương tiện, trang thiết bị cần thiết để tham gia chữa cháy rừng
Cùng với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng các sở, ngành địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý, phát triển rừng.
Hiện diện tích đất có rừng toàn tỉnh Hòa Bình là 237.299,32 ha, rừng tự nhiên trên 141.614 ha, rừng trồng trên 95.685 ha. Theo Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT và tham gia công tác thẩm định các dự án đầu tư có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tham mưu chính quyền địa phương triển khai kịp thời các văn bản của cấp có thẩm quyền về triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Tình trạng vi phạm pháp luật và diện tích bị thiệt hại do hành vi phá rừng trái pháp luật giảm, công tác quản lý, bảo vệ rừng được chấn chỉnh, đi vào nền nếp. Trong 5 năm (2019 - 2023), toàn tỉnh phát hiện và xử lý 214 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Các vụ vi phạm được xử lý đúng người, đúng hành vi, có tính răn đe cao, không có khiếu nại xảy ra sau khi xử lý. Trên địa bàn tỉnh không có vụ việc nổi cộm, các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng, chống người thi hành công vụ, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. An ninh rừng được giữ vững, độ che phủ rừng được duy trì ổn định từ 51,5% trở lên.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp được tăng cường và đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ rừng trong triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có trên 16.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC...
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, tiếp tục đưa chỉ tiêu phát triển rừng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Chủ động, nâng cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng mới, phát triển kinh tế rừng. Đặc biệt, quan tâm gắn bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, thu nhập, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.../.
Minh Thu
Bình luận