Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ bảy, 28/05/2022 10:05
TMO - Trước tình trạng gia tăng hoạt động khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng đặc biệt là cát sỏi lòng sông, UBND tỉnh Điện Biên đang triển khai nhiều giải pháp, chỉ đạo các đơn vị có liên quan siết chặt công tác giám sát, quản lý hoạt động trên nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 20 nhóm khoáng sản như: Nhóm khoáng sản nhiên liệu (than đá); khoáng sản kim loại (sắt, đồng, chì, kẽm); khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi trắng, sét, cát, cuội, sỏi); khoáng chất công nghiệp (alit, barit, nước nóng, nước khoáng)...
Trong đó, khoáng sản vật liệu xây dựng phân bố hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng gần 13 triệu m3; trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường hơn 18,2 triệu m3; trữ lượng cát gần 355 nghìn m3; trữ lượng than hơn 351 nghìn tấn; chì, kẽm hơn 244 nghìn tấn.
Nhu cầu khai thác tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang ngày càng gia tăng
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên, những năm qua, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận và thẩm định hồ sơ, theo đúng trình tự thủ tục, Luật khoáng sản. Cùng với đó, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quy định về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng đến việc siết chặt công tác cấp phép khai thác.
Theo đó, từ năm 2009 đến hết năm 2021, UBND tỉnh đã cấp 35 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Hiện nay, toàn tỉnh có 27 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Riêng năm 2021, việc khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường UBND tỉnh đã cấp 1 giấy phép, thu hồi 1 giấy phép, điều chỉnh 1 giấy phép và chuyển nhượng 1 giấy phép.
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nổi lên nhiều sai phạm như: khai thác không đúng trình tự, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản không đúng theo quy định.
Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh, năm 2021, các cơ quan quản lý Nhà nước đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra, phát hiện 2 tổ chức khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác; 4 tổ chức vi phạm trong khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Cơ quan quản lý đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 604 triệu đồng (đã thu, nộp ngân sách 422 triệu đồng).
Tỉnh Điện Biên tăng cường công tác quản lý, siết chăt hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông
Đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hiện tại trên địa bàn tỉnh còn 4 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh miền núi, lòng sông, suối nhỏ, hẹp, trữ lượng cát, sỏi không lớn nhưng yêu cầu, điều kiện để được cấp phép khai thác cát, sỏi theo quy định phải thực hiện đầy đủ các trình tự như các loại khoáng sản khác. Do vậy nhiều tổ chức, cá nhân không đáp ứng được dẫn đến số lượng các tổ chức, cá nhân xin thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi còn hạn chế.
Để tăng cường công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, các sở, ban ngành tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về hoạt động khoáng sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức và hành động đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác.
Bên cạnh đó, các địa phương phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, vận động khuyến khích người dân thông tin, phản ánh về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định.
Minh Phương
Bình luận