Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ hai, 06/06/2022 20:06
TMO - Nhằm ngăn chặn vi phạm trong lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước về đất đai, triển khai giải pháp ngăn chặn việc tách thửa, chia nhỏ diện tích đất trái quy định nhằm chống phân lô, bán nền, tạo “sốt ảo” đất trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Tự ý chuyển nhượng đất, tách thửa, hợp thửa đất để phân lô, bán nền khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã manh nha, có dấu hiệu nhiều lên; thị trường bất động sản có dấu hiệu đầu cơ, mua đi bán lại đất đai gây sốt ảo trên thị trường.
Công tác quản lý san lấp đất tại một số địa bàn còn chưa đảm bảo quy định; sử dụng đất trái mục đích, nhất là đất lâm nghiệp còn xảy ra ở một số địa bàn. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng đất không hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời để địa phương khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 1193/ UBND-KT về tăng cường công tác quản lý đất đai và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Tuyên Quang siết chặt công tác quản lý đất đai, ngăn ngừa phân lô, bán nền trái quy định. Ảnh minh họa
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, xác định cụ thể diện tích, số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần cấp lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, kinh phí lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn theo từng tháng, quý
Chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện, thành phố đã được phê duyệt; đảm bảo giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.
Tăng cường quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, giá đất, nhất là các khu vực quy hoạch dự án bất động sản; rà soát, kiểm tra, tăng cường công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản..., để người dân tiếp cận được các thông tin chính thống, hiểu và thực hiện đúng, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân
Thực hiện chỉ đạo từ UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh đã ban hành văn bản số 797/STNMT-QLĐĐ về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các UBND huyện, thành phố chỉ đạo các UBND các xã, phường không thực hiện việc chứng thực đối với các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi; không được xác nhận hành vi chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức viết tay.
Phòng TN&MT và cơ quan chuyên môn trực thuộc không lập thủ tục cho phép chuyển mục đích, tách thửa đất đối tất cả các loại đất tại các khu vực không phù hợp với quy hoạch sử dụng hoặc nằm trong quy hoạch. Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở phải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở TN&MT tiến hành thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là tại các khu vực quy hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, khu đô thị tại vị trí đất bám trục đường giao thông, lợi thế thương mại cao, quỹ đất ven các trục đường quy hoạch mở mới, khu vực quy hoạch các công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số tỉnh, thành phố là do người dân thiếu thông tin quy hoạch. Việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng.
Tuyên Quang triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh
Với việc công khai, minh bạch thông tin về đất đai, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 948 dự án với tổng diện tích là 6.183,26 ha.
Trong giai đoạn từ 2020 - 2030, tỉnh có nhu cầu sử dụng đất đối với đất nông nghiệp 526.570 ha. Trong đó, đất trồng lúa 25.266 ha, đất trồng cây lâu năm 43.303 ha, đất rừng phòng hộ 118.277 ha, đất rừng đặc dụng 46.499 ha, đất rừng sản xuất 267.010 ha, đất nuôi trồng thủy sản 3.331 ha; đất phi nông nghiệp 57.572 ha.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là căn cứ để giao đất, thuê đất, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất. Việc thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng nguồn thu từ đất, từng bước đưa công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh vào nền nếp.
Đức Minh
Bình luận